Chuốc rượu say lấy điện thoại, xe máy của nạn nhân - phạm tội trộm cắp hay cướp tài sản?

ANTD.VN - Thông qua mạng xã hội Facebook, Đỗ Văn Lợi (SN 1995) có quen biết với chị Vũ Thị Thúy (SN 2000). Sau đó Đỗ Văn Lợi rủ chị Thúy đi đến quán ăn và uống rượu. Lợi đã chuốc rượu cho chị Thúy say rồi sau đó chở chị Thúy đi thuê phòng nghỉ bằng xe máy điện của chị Thúy. Sau khi lấy phòng, chị Thúy đã ngủ say không biết gì. Thấy vậy, Lợi đã lấy chiếc điện thoại iPhone 6 của chị Thúy, tháo sim ra vứt lại rồi xuống lễ tân báo chủ nhà nghỉ đi ra ngoài có việc và đem chiếc xe máy điện của chị Thúy bán cho một người phụ nữ không quen biết được 3.000.000 đồng. Chiếc điện thoại của chị Thúy thì Lợi để sử dụng. Sau đó, Lợi cầm tiền bán xe và điện thoại của chị Thúy bỏ trốn. Sau khi chị Vũ Thị Thúy tỉnh lại thì phát hiện bị chiếm đoạt tài sản đã đến công an trình báo. Vấn đề đặt ra là trong tình huống này, Đỗ Văn Lợi đã phạm tội trộm cắp hay cướp tài sản?
Chuốc rượu say lấy điện thoại, xe máy của nạn nhân - phạm tội trộm cắp hay cướp tài sản? ảnh 1Hành vi làm tê liệt ý chí của người bị hại bằng thủ đoạn chuốc rượu say là không thỏa mãn trong cấu thành tội cướp tài sản. Ảnh minh hoạ

Ý kiến bạn đọc

Công nhiên chiếm đoạt tài sản

Trong vụ việc này, Đỗ Văn Lợi đã phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 172, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định của pháp luật, công nhiên chiếm đoạt tài sản là lợi dụng khó khăn của người khác trong việc quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản của người đó mà không dùng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hay bất kỳ thủ đoạn nào uy hiếp tinh thần người bị hại. Đỗ Văn Lợi đã lợi dụng việc chị Vũ Thị Thúy say rượu không thể quản lý tài sản của mình nên đã chiếm đoạt xe máy điện và điện thoại của chị Thúy. Đây là yếu tố, căn cứ để khẳng định hành vi của Đỗ Văn Lợi là công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Quốc Tuân (Mộc Châu - Sơn La)

Trộm cắp tài sản

Hành vi trộm cắp tài sản của Đỗ Văn Lợi trong vụ việc này đã được thể hiện rất rõ ràng. Khi thấy chị Vũ Thị Thúy bị say rượu và ngủ không biết gì, lúc này Lợi đã lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chị Thúy để thực hiện mục đích của mình là chiếm đoạt chiếc xe máy điện và điện thoại iPhone của chị Thúy. Đây là hành vi thể hiện sự lén lút, một đặc trưng cơ bản của tội trộm cắp tài sản. Trong lúc Đỗ Văn Lợi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của mình thì chị Vũ Thị Thúy - chủ sở hữu tài sản không hề hay biết hành vi này xảy ra. Vì vậy, theo tôi Đỗ Văn Lợi đã phạm tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Lê Thúy Hà (Con Cuông - Nghệ An)

Cướp tài sản

Có thể thấy Đỗ Văn Lợi đã có sự tính toán trong việc mời chị Vũ Thị Thúy đi uống rượu sau đó đã chiếm đoạt tài sản một cách công khai, trắng trợn trong hoàn cảnh mà chị Thúy không có khả năng nhận thức hay có thể chống cự được. Mặc dù Đỗ Văn Lợi không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt tài sản của chị Thúy nhưng Lợi đã có hành vi chuốc rượu chị Thúy để làm chị Thúy lâm vào tình trạng mất khả năng chống cự nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của chị Thúy. Vì vậy, hành vi của Đỗ Văn Lợi đã đủ dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Nguyễn Thế Thắng (Cẩm Giàng - Hải Dương)

Bình luận của luật sư

Về ý kiến cho rằng Đỗ Văn Lợi phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172, Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật là lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ. Đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản mà họ không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai).

Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu giếm hành vi phạm tội của mình trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản, người bị thiệt hại biết ngay người lấy tài sản của mình (biết mà không thể giữ được).

Do đặc điểm riêng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là chiếm đoạt, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức công khai, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan như: thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh… 

Trong tình huống trên, Đỗ Văn Lợi đã lợi dụng lúc chị Vũ Thị Thúy say rượu nằm nằm ngủ nên đã chiếm đoạt tài sản của chị Thúy. Trong trường hợp nếu chị Vũ Thi Thúy không bị mê mệt mà vẫn có thể nhìn thấy hành vi chiếm đoạt tài sản của Lợi nhưng do quá say nên không thể ngăn cản thì Lợi có thể bị cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Nhưng trong tình huống này chị  Vũ Thị Thúy đã ngủ say không biết gì và phải cho đến sau khi tỉnh dậy, chị Thúy mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an. Như vậy có thể thấy hành vi của Đỗ Văn Lợi không có đủ các dấu hiệu cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Về quan điểm cho rằng Đỗ Văn Lợi phạm tội cướp tài sản theo Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo chúng tôi, quan điểm Đỗ Văn Lợi phạm tội cướp tài sản là chưa đúng với lý luận tội phạm và bản chất hành vi phạm tội.

Tội cướp tài sản là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng mất khả năng chống cự nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Tội cướp tài sản cùng lúc xâm hại đến 2 khách thể: đó là quyền sở hữu và tính mạng, sức khỏe của công dân.

Trường hợp nếu Đỗ Văn Lợi sử dụng thuốc mê, thuốc ngủ gây tê liệt tạm thời nạn nhân nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì được xem là “hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được” và hành vi này cực kỳ nguy hiểm cho xã hội.

Theo lý luận thì bị hại phải là người bị tấn công và có ý muốn chống cự nhưng lại thực hiện không được vì một số lý do nào đó. Dùng thuốc mê hay thuốc ngủ thì hiệu quả của các loại thuốc này sẽ có công dụng tức thời và người phạm tội nhận thức được rằng nạn nhân sẽ bị tê liệt ý chí để nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ý thức chiếm đoạt lúc này là rõ ràng, quyết liệt và việc chiếm đoạt chỉ thực hiện được khi nạn nhân bị thuốc làm tê liệt ý chí. Nhận định hành vi làm tê liệt ý chí của người bị hại bằng thủ đoạn chuốc rượu say là không thỏa mãn trong cấu thành tội cướp tài sản. Đỗ Văn Lợi cũng chỉ mới quen biết chị Thúy, không thể biết “tửu lượng” của chị Thúy như thế nào và chị Thúy có thể ngừng uống bất cứ lúc nào nếu muốn hoặc khi cảm thấy không thể uống được nữa.

Mặt khác, sau khi uống rượu cùng Đỗ Văn Lợi xong, chị Thúy vẫn ngồi lên xe máy cùng đến nhà nghỉ, đi lên phòng cùng Lợi. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, trong trường hợp này, do chị Thúy tự nguyện uống rượu với Lợi nên không được coi là bị người khác tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. 

Về quan điểm cho rằng hành vi phạm tội của Đỗ Văn Lợi trong vụ việc này đã cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 173, Bộ luật Hình sự năm 2015 theo chúng tôi là có căn cứ, đúng bản chất hành vi phạm tội. Xét hành vi của Đỗ Văn Lợi thấy, Lợi đã rủ chị Vũ Thị Thúy đi ăn tối và uống rượu. Chị Thúy đã tự nguyện cùng uống với Lợi, không bị ép buộc. Sau khi ăn uống, chị Thúy đã tin tưởng giao chiếc xe đạp điện cho Lợi sử dụng để đi đến nhà nghỉ.

Đỗ Văn Lợi trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đã có động cơ, mục đích chiếm đoạt tài sản nhưng hành vi khách quan khi thực hiện tội phạm là “lén lút” nên đã cấu thành tội trộm cắp. Tội trộm cắp tài sản và cướp tài sản đều có động cơ mục đích chung là chiếm đoạt tài sản. Tội cướp tài sản thì thể hiện một cách công khai tính nguy hiểm của hành vi là người phạm tội đối mặt trực tiếp với chủ tài sản, nhưng ở tội trộm cắp tài sản thì người phạm tội không dám đối mặt. Khi chị Thúy đi lên phòng nghỉ được một lúc thì buồn ngủ do ảnh hưởng của men rượu, Đỗ Văn Lợi đã lợi dụng chị Thúy ngủ đã xuống lấy chiếc xe đạp điện của chị Thúy đem đi bán.

Hành vi của Đỗ Văn Lợi chiếm đoạt chiếc xe đạp điện, điện thoại iPhone 6 của chị Thúy khi lợi dụng chị Thúy ngủ là hành vi “lén lút” với chủ tài sản nhưng công khai với mọi người, kể cả chủ nhà nghỉ là ý thức che giấu tính hợp pháp của Lợi để cho mọi người tưởng đó là xe đạp điện của Lợi. Do đó, theo chúng tôi hành vi của Đỗ Văn Lợi đã cấu thành tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173, Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)