Chúng tôi ra Trường Sa

ANTĐ - Theo lời mời của Bộ Tư lệnh Hải quân, ngày 28-4, cùng với nhiều đơn vị khác, đoàn Hội Nhà văn Việt Nam đã đến Trường Sa. 

Chuyến đi này chúng tôi được xác định là rất gian nan, bên Hải quân muốn Hội Nhà văn Việt Nam cử các cây bút vững, có sức khỏe, nhanh nhẹn... Để khi về có bài vở chuẩn bị cho cuốn sách kỷ niệm 60 năm Hải quân nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, đại tá Mai Huy, Giám đốc Nhà Văn hóa Hải quân có nói riêng với tôi, các anh sợ rằng chuyến đi này sẽ vất vả hơn các chuyến trước, do tình hình biến động phức tạp. 

10 nhà văn được chọn lên đường với tinh thần phấn khởi vì phần lớn chưa được ra Trường Sa. Cơ hội được đi khó hơn ra nước ngoài. Lên tàu từ cảng Cam Ranh, lúc về cập cảng Cát Lái, những nhà văn, nhà thơ đã có một hải trình đặc biệt trong những ngày Trường Sa “dậy sóng”.

Đây là lần đầu tiên tôi đến với Trường Sa. Trước khi đi, giống như nhiều người khác, tôi cũng tự nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu nơi mình sắp tới. Trước đây, tôi đọc những gì liên quan đến Trường Sa phần nhiều cũng vì tò mò muốn biết đảo chìm, đảo nổi như thế nào. Và nơi ấy đang tồn tại một cuộc sống ra sao? Khá nhiều bài viết về Trường Sa. Thơ ca nhạc họa... Nhưng những trang viết mà tôi đọc được trừ mấy tác phẩm ít ỏi của các nhà văn, nhà thơ như Đảo chìm của nhà thơ Trần Đăng Khoa, một số truyện của Bích Ngân, Nguyễn Xuân Thủy, Trần Minh Hợp... còn lại hầu như chỉ là những tư liệu khô cứng nên không đọng trong tôi bao nhiêu. 

Nhưng rồi, từ lúc bước chân lên tàu của hải quân ra Trường Sa, được phổ biến những kiến thức cơ bản về Biển Đông, về Trường Sa, Hoàng Sa, điều lệnh hành quân, trải qua những ngày nắng chan trên biển, có lúc gặp tàu lạ che kín mít, không cờ hiệu, tàu của hải quân đã phải bẻ lái sang hướng khác để tránh va chạm; bản thân chịu đựng nào say sóng, nào sinh hoạt phải khắc phục trên con tàu cứ lướt trên sóng, chứng kiến sự vất vả của lính đảo và những nỗ lực của họ ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc, tôi cảm nhận Trường Sa như có gì đó gắn bó với riêng mình từ những giây phút ấy. 

Giây phút tôi cảm thấy rõ rệt nhất về sự hữu hạn và vô hạn của cõi sống là lúc ngồi xuồng máy CQ từ nơi tàu neo để vào đảo chìm Đá Thị. Từ tàu lên đảo cách khoảng 1 hải lý, giữa biển mênh mông phía sau là tàu, trước mặt là hòn đảo chìm bé con con xa mờ, chỉ mấy con người nhỏ nhoi trên xuồng. Lúc ấy mới thấy cái nắng sao khắc nghiệt, lúc ấy mới thấy cái gian nan, mới thấy sao lính của mình khổ thế. Tôi từng đi viết nhiều về các đơn vị, Quân đội có, Công an có, mới cách đó không lâu, tôi đi Vũng Tàu viết về Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam. Mỗi nơi có cái vất vả riêng, nhưng bây giờ đây tôi thấy Hải quân Việt Nam vẫn là gian nan nhất, nhất là trong thời điểm Biển Đông “dậy sóng” như lúc này”.

Sau chuyến đi ấy, cứ thấy cái gì viết dính dáng đến Trường Sa, Hoàng Sa là tôi lại muốn đọc. Thật lạ kỳ, Trường Sa đã ngấm vào máu thịt, vì thế khi viết gì, kể gì về Trường Sa tôi cũng cố gắng chuyển tải những thông điệp một cách dễ hiểu nhất tới người đọc.

Chuyến đi Trường Sa của đoàn Hội Nhà văn Việt Nam lần này, việc lựa chọn người đi rất khó khăn, kỹ càng. Nhưng với tiêu chí “trẻ” nên Ban Nhà văn Trẻ do tôi làm Trưởng Ban đã “thắng thế”. Dịch giả Nguyễn Vũ Hưng sinh năm 1987, trẻ nhất Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay, là giảng viên môn Văn học Pháp của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đang làm luận án Tiến sĩ ở Pháp. Thời gian này Hưng về Việt Nam lấy tư liệu làm luận án. Khi gặp tôi ở TP Hồ Chí Minh, biết chuẩn bị có đợt đi Trường Sa, Hưng nói: Cho em đi với. Tôi cười bảo, ừ thì đi, nhưng để chị báo cáo lãnh đạo Hội. Kết quả là Hưng đã được đưa vào danh sách.  Chuyến đi ấy là một trải nghiệm mới với Nguyễn Vũ Hưng. 

Hình ảnh đẹp đầu tiên hiện ra trong chuyến đi là Song Tử Tây. Tôi và Hưng cùng một số thành viên của đoàn đã dậy rất sớm để chờ đợi phút giây hòn đảo đầu tiên tắm mình trong ánh mặt trời đang hé rạng vào buổi sớm tinh mơ. Con tàu hú một hồi còi để báo tin cho đảo và neo lại. 30 phút sau, đoàn lên đảo Song Tử Tây. 

Nguyễn Vũ Hưng đã tâm sự: “Chuyến đi này tôi được biết thực tế sinh động và phức tạp hơn nhiều. Khi đến đảo, việc đầu tiên tôi làm là tách đoàn, một mình đi ra phía bờ đảo. Tôi vốc một nắm cát và vỏ sò vào tay. Cảm giác rất đặc biệt. Đó là khoảnh khắc quan trọng nhất của chuyến đi đối với tôi. Tôi quyết định sau này học xong sẽ trở về nước và kêu gọi các bạn bè từ những trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới trở về nước cũng là vì những vốc cát, những vỏ sò như thế này”.

Đoàn nhà văn có 10 người thì mỗi người là một thế giới riêng khác. Đi trên chuyến tàu lênh đênh ngoài biển cùng gần 250 người, sinh hoạt thay đổi chóng mặt, phải khắc phục rất nhiều. Có một điều khó khăn cho tôi khi được phân công làm trưởng đoàn là muốn phổ biến hay nhắc nhở gì anh chị em cũng rất khó, vì chỉ cách vài bước chân thôi, nhưng nếu ai mất hút trên boong tàu thì cũng coi như chịu không sao tìm được, vì không liên lạc được bằng di động, dĩ nhiên.

Nhưng các nhà văn, nhà thơ rất ý thức được nhiệm vụ của mình. Hàng ngày, nếu tôi muốn tìm nhà thơ Nguyễn Thị Mai thì lên phòng bếp ăn, vì chị Mai đăng ký viết về những người phục vụ trên tàu. Muốn tìm nhà thơ Phạm Vân Anh thì đến buồng quân y hoặc buồng dành cho chỉ huy tàu. Muốn tìm Nguyễn Vũ Hưng thì lên buồng lái. Muốn tìm nhà thơ Hữu Việt thì cứ cánh nhạc sĩ văn công mà mò ra. Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng thì thường hay mơ mộng trên boong một mình. May thay nhà văn Lê Hoài Nam, nhà thơ Đặng Huy Giang, nhà văn Phạm Duy Nghĩa, nhà thơ Bàng Ái Thơ thì hay “bám trụ” loanh quanh khu vực phòng ở...