“Chúng tôi đều coi Đại tướng như cha”

ANTĐ - Mặc dù đã có hàng chục vạn lượt đồng bào đến tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng cho tới hôm nay con số ấy vẫn không ngừng tăng lên. Dường như trong tâm trí người dân, ai cũng lo rằng mình sẽ không đến kịp để được một lần cúi đầu trước anh linh Đại tướng.

“Chúng tôi đều coi Đại tướng như cha” ảnh 1
12h, dòng người xếp hàng trên phố Điện Biên Phủ chờ vào tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vì lượng khách đến chia buồn rất đông, nên gia đình Đại tướng mở rộng giờ đón tiếp từ 7h sáng đến 18 giờ chiều, không nghỉ trưa. Lịch này sẽ kéo dài đến hết ngày mai.


“Những ngày này, có lẽ trong câu chuyện thường nhật người ta hay hỏi nhau là: Đã đến viếng Đại tướng chưa? Anh là người thứ 4 hỏi tôi câu đó” – Bác Trịnh Thị Dung, quê ở xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, Hà Nội rưng rưng như vậy khi nói lên tâm trạng của mình trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà Dung nguyên là y tá của Bệnh xá Đại Lộc phục vụ tại chiến trường Quảng Đà từ năm 1968. Ngày ấy, khi còn là một cô gái trẻ măng bà đã xung phong vào chiến trường để cứu chữa cho các thương bệnh binh trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân. Bà bảo, lứa thanh niên của những tháng năm khói lửa như chúng tôi lên đường hết thảy đều mang trong mình sự ngưỡng mộ trước lời kêu gọi của Đại tướng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Sau mấy chục năm, đến nay sự ngưỡng mộ ấy không hề thay đổi trong bà. Nghe tin Đại tướng qua đời, bà cảm thấy vô cùng tiếc nuối. Vẫn biết con người không thể cưỡng lại được quy luật của thời gian, nhưng sao sự thật ấy vẫn khó chấp nhận. Những ngày này, bà Dung thường xuyên bật ti vi theo dõi chương trình thời sự. Nhìn dòng người ngày ngày nối dài trên con đường Hoàng Diệu bà thấy lòng như có lửa, nước mắt tự nhiên cứ ứa ra. “Tôi có tuổi rồi, lại phải thường xuyên chăm sóc ông nhà ốm yếu, nhưng tôi sẽ cố gắng vào viếng Đại tướng một lần. Ngày còn ở mặt trận, tôi chưa có dịp gặp ông, nhưng hầu hết cánh lính chiến và y bác sỹ chúng tôi đều coi Đại tướng như cha. Nay Đại tướng mất mà không đến viếng được, tất cả đều thấy day dứt. Không chỉ riêng tôi mà hầu như những bạn bè của tôi ai cũng đều có chung suy nghĩ như thế”.
“Chúng tôi đều coi Đại tướng như cha” ảnh 2
Từ trái sang: Ông Hoài, ông Phúc, bà Dung xúc động trước sự ra đi của Đại tướng
Ông Trần Thanh Hoài vốn là một chiến sỹ công an vũ trang thuộc C32 an ninh miền từng bảo vệ trực tiếp Ban Thường vụ khu 5 từ năm 1969. Bây giờ về hưu, ông cùng vợ làm nghề trông xe cho bà con trong khu tập thể để kiếm thêm thu nhập. Ông bảo, “ngày ấy tôi làm công tác bảo vệ cho đồng chí Võ Chí Công, có cơ hội được gặp nhiều cán bộ cao cấp của Đảng nhưng chưa lần nào được gặp Đại tướng. Chỉ đến khi đất nước thống nhất, cũng nhờ duyên kỳ ngộ tôi mới được gặp Đại tướng nhưng lại trong hoàn cảnh đúng lúc bệnh sốt rét đang hành hạ. Hôm ấy Đại tướng đến Trạm tiếp đón K15 của Ban thống nhất Trung ương đóng tại Hà Đông để gặp gỡ đoàn cán bộ từ miền Nam ra, thấy tôi đang lên cơn sốt nên ông đã tới trực tiếp thăm hỏi và động viên. Kỷ niệm ấy đến giờ tôi vẫn nhớ”. Mặc dù bây giờ đã yếu, lại phải chiến đấu với căn bệnh tiểu đường, nhưng ông Hoài vẫn quyết định sẽ đi viếng Đại tướng. Ông bảo, “tôi mới liên lạc với mấy anh em đồng ngũ ở Cục Cảnh vệ - Bộ Công an. Ngày ấy tôi ốm, Đại tướng đến thăm. Nay lẽ nào Đại tướng ra đi mà tôi không tới. Bây giờ chỉ đợi anh em tề tựu đông đủ là chúng tôi tới đặt hoa tiễn đưa Người”. Mặc dù vẫn còn thấm mệt sau mấy tiếng đồng hồ đứng xếp hàng vào viếng Đại tướng, nhưng ông Trần Đình Phúc, 74 tuổi, ở 621 phố Hồng Hà vẫn sôi nổi kể lại câu chuyện ông đến viếng Đại tướng cho bà con tiểu thương tại chợ Hàm Tử Quan. Vậy là buổi chiều hôm nay ông đã đạt được ước nguyện của mình là đến chào “người anh Cả” lần cuối. Ông Phúc nguyên là lính Sư đoàn 350 từ năm 1959. Năm 1965 ông tái ngũ phục vụ trong Bộ Tư lệnh Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Bây giờ về hưu, ông ngày ngày bán hàng ngay tại chợ mưu sinh. Nghỉ buổi chợ nào, ông mất thu nhập buổi ấy, thế nhưng chiều nay ông gọi bà: “Tôi đi viếng Đại tướng. Bà đóng cửa, nghỉ hàng một hôm”. Bà gật đầu chỉ kịp đưa cho chồng cái mũ vải, cứ thế là ông đi. Mệt, nhưng ông bảo, thấy lòng mình thanh thản. “Sự thực là Bác Hồ tôi đã từng được gặp, nhưng Đại tướng thì chưa một lần. Thế nên với cánh cựu binh chúng tôi không có ai là không muốn đến với Đại tướng. Ông là tấm gương không chỉ mẫu mực trong quân đội mà nhân cách của ông còn khiến tất cả nhân dân phải ngưỡng mộ. Đến viếng một con người như vậy, tôi chắc không chỉ có riêng tôi mà ai cũng chung tâm trạng như thế”.
Nhạc sĩ Phú Quang: “Đại tướng là một vĩ nhân!”

“Chúng tôi đều coi Đại tướng như cha” ảnh 3

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nỗi đau xót không chỉ của riêng gia đình Đại tướng mà của cả dân tộc Việt Nam. Trong suy nghĩ của tôi, Ông là một vĩ nhân, một vị tướng tài có công lao to lớn với đất nước. Dẫu  biết mất mát này là không thể tránh khỏi, nhưng khi nghe tin Ông mất, tôi vẫn buồn vô hạn, cảm giác như chính người thân yêu của mình ra đi vậy. Tôi từng có lần tiếp xúc với Ông ở ngoài đời. Đại tướng không chỉ là một bậc thiên tài về quân sự mà còn là một con người có nhân cách đáng kính. Ngoài cuộc sống, Ông vô cùng giản dị. Ông giản dị đến mức khiến tôi sững sờ bởi không nghĩ một bậc vĩ nhân lại mộc mạc đến như vậy. Khi còn sống, Đại tướng cũng thích nghe nhạc của tôi và tôi xin được giữ những kỷ niệm về Ông cho riêng mình. Sau này khi có dịp vào quê hương Quảng Bình nơi ông yên nghỉ, tôi nhất định sẽ tìm đến thắp một nén nhang tri ân Đại tướng.


Ca sĩ Ngọc Anh: “Đại tướng sống mãi trong lòng dân”

“Chúng tôi đều coi Đại tướng như cha” ảnh 4

Đây thật sự là một tổn thất lớn của dân tộc. Ngày còn là học sinh cấp 2, tôi và Hồ Quỳnh Hương cũng từng có dịp gặp và hát cho Đại tướng nghe khi Ông về Quảng Ninh. Ngày ấy Đại tướng vẫn còn khỏe, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Ông mặc bộ quân phục rất đẹp, mái tóc bạc, nước da đồi mồi và ánh mắt rất hiền từ. Lần đó Ông ngồi cùng mọi người nghe chúng tôi hát rất chăm chú. Hát xong tôi cũng có dịp được nắm tay trò chuyện và chụp ảnh cùng Ông. Bức ảnh đó hiện giờ bố mẹ tôi vẫn treo trang trọng trong phòng khách ở nhà. Hình ảnh đoàn người xếp hàng dài vào viếng Đại tướng đã chứng tỏ Ông giữ vị trí quan trọng như thế nào trong lòng cả dân tộc Việt Nam. Chắc chắn ngay cả khi Ông không còn nữa thì Ông vẫn sống mãi trong lòng tôi và tất cả những người dân nước Việt.