“Chúng tôi cảm ơn sự quyết liệt của công an”

ANTĐ - Nhiều bạn đọc tiếp tục phản hồi, chia sẻ, động viên, cảm ơn CATP Hà Nội, với thành công từ mô hình “141”. 

Hiệu quả trấn áp tội phạm của mô hình 141 được người dân hoan nghênh

Ngay sau khi đọc bài viết “Vì sao tội phạm cướp giật ở Hà Nội giảm?”, bạn đọc Trần Sơn khẳng định: “Câu trả lời là: “141”!”.

“Tôi thấy lực lượng “141” hoạt động rất tích cực và hiệu quả, đặc biệt là thời gian gần đây. Số thanh niên đánh võng, gây nguy hiểm tính mạng người đi đường giảm hẳn. Cảm ơn các anh nói riêng và lực lượng CATP nói chung”, bạn đọc Đỗ Nhật Ánh bày tỏ.

Bạn đọc Tường Minh cũng khẳng định: “Ai ra đường cũng phải công nhận hoạt động của lực lượng “141” Hà Nội ngày càng hiệu quả. Tại nhiều chốt, các chiến sĩ đã bắt được nhiều thanh niên vi phạm giao thông, tàng trữ vũ khí trái phép, làm đường phố thêm yên bình. Nạn đua xe cũng giảm đi trông thấy...”. Trong khi đó, bạn đọc Hoàng Yến viết: “Qua Báo ANTĐ, tôi muốn gửi lời cảm ơn CATP Hà Nội, nhất là lực lượng “141”, nhờ các anh mà người dân chúng tôi yên tâm hơn mỗi khi ra đường”.

“Hoan nghênh lực lượng “141” CATP Hà Nội. Hải Phòng quê tôi cũng rất cần có lực lượng này để người dân chúng tôi bình yên hơn. Người dân chúng tôi mong chờ các ngành chức năng và nhất là CATP Hải Phòng sớm thành lập một lực lượng như thế”, bạn đọc Dương Thị Nhu đề nghị.

“Ngày trước, mỗi lần ở Lạng Sơn về Hà Nội, tôi thấy rất khó chịu với những thanh niên tóc xanh tóc đỏ, rồi những tay anh chị xăm trổ đầy người nghênh ngang đi ngoài đường, sẵn sàng gây gổ đánh nhau nếu một ai đó có nhỡ va quệt hoặc vô tình quay sang nhìn. Một năm trở lại đây, tình trạng này đã giảm hẳn nhờ sự quyết liệt của lực lượng công an mà tiêu biểu là lực lượng “141”. Tôi rất hoan nghênh và mong các anh hãy nỗ lực hơn nữa để mang đến sự bình yên cho Thủ đô”, bạn đọc Nguyễn Thanh Sơn.

“Hôm trước tôi đọc báo thấy TP.HCM tặng 5 triệu đồng cho người dân bắt cướp. Thiết nghĩ, điều đó là không cần thiết, chúng tôi bắt cướp là để bảo vệ bản thân và những người thân của chúng tôi. Điều người dân chúng tôi cần là lực lượng công an phải có biện pháp trấn áp tội phạm quyết liệt hơn để người dân an tâm mỗi khi ra đường”, bạn đọc Phan Hòa (TP.HCM) nêu quan điểm.

Khẳng định “141” làm rất tốt, bạn đọc Nguyen Viet Cuong mở rộng góp ý: “Công an giao thông làm chưa hết chức năng, nếu công an giao thông cũng làm quyết liệt như “141” thì tình trạng ùn tắc sẽ giảm 50% trong nội thành”. 

“Tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều khi chứng kiến hoạt động tích cực của các chiến sĩ công an. Bất kể mưa nắng, đêm tối, các anh vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chưa kể phải đối mặt với những đối tượng vi phạm pháp luật, lộng hành, chống người thi hành công vụ. Một lần nữa, cảm ơn chia sẻ sự hiện diện của các anh!”, bạn đọc Phạm Quang.

“Lực lượng “141” là “quả đấm thép” - một “thương hiệu” mới của Công an Hà Nội. Công lao của các anh rất lớn. Để có sự bình yên của Thủ đô, các anh đã phải đổ cả máu. Nhân dân Thủ đô cảm ơn các anh rất nhiều, hy vọng các anh tiếp tục truy quét tội phạm để cho Thủ đô được yên vui và thanh bình, xứng danh thành phố vì hòa bình”, bạn đọc Hoa Anh Đào chia sẻ.

Trong khi đó, đọc bài viết “Cô gái vừa từ Hà Nội vào đến TP.HCM thì bị cướp”, bạn đọc Ngô Lê Lợi nêu quan điểm: “Hiện nay cướp giật ở TP.HCM rất manh động. TP.HCM nên học tập theo mô hình “141” ở Hà Nội để bắt cướp hoặc phục hồi mô hình đội săn bắt cướp của TP.HCM rất hiệu quả trước đây để lập lại an ninh đường phố và bình an trong nhân dân”. Đồng quan điểm, bạn đọc Le Hoang nhấn mạnh: “Cảnh sát đặc nhiệm chống cướp giật rất tốt. Những việc như vậy cần được khen thưởng ngay để động viên. Người dân sẽ cảm thấy an tâm hơn mỗi khi ra đường nếu tình trạng cướp giật, chém người được xử lý nhanh chóng, triệt để”.

Trở lại với bài viết “Vì sao tội phạm cướp giật ở Hà Nội giảm?”, bạn đọc Minh Trí khẳng định: “Với tôi thì mô hình nào cũng được, miễn sao lực lượng chức năng làm hết mình để đem lại bình yên cho người dân chúng tôi. Mô hình “141” đến nay đã khẳng định rõ ràng về tính hiệu quả, không cần bàn nữa”. 

Tuy nhiên bạn đọc Minh Trí lưu ý rằng: “Điều quan trọng là cần duy trì thường xuyên hoạt động của các tổ công tác này, có như thế lâu dài mới tạo nên ý thức chấp hành pháp luật. Như nước Nhật, để xây dựng ý thức không vứt rác ra đường, họ cần tới 15 năm liên tục tuyên truyền, giáo dục, xử lý.