Chung tay phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

ANTD.VN - Tiến trình hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên lại được thúc đẩy thêm khi lãnh đạo 3 quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cam kết cùng có những nỗ lực chung trong vấn đề Triều Tiên.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh 3 bên đã khẳng định nỗ lực thúc đẩy hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên

Trong tuyên bố chung đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc lần thứ 7 diễn ra ở Thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 9-5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng khẳng định những cam kết chung đối với việc bảo vệ hòa bình và ổn định cho Bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á. Việc lãnh đạo 3 quốc gia Trung-Nhật- Hàn bày tỏ quyết tâm  “chung sức đồng lòng” trong vấn đề Triều Tiên đã tạo thêm điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiến trình hòa dịu, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cùng nằm ở khu vực Đông Bắc Á song rõ ràng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có những mối quan hệ và lợi ích khác nhau trong vấn đề Triều Tiên cũng như tình hình khu vực. Trung Quốc vẫn được xem là đồng minh chủ chốt và cường quốc hậu thuẫn chính cho Triều Tiên về kinh tế cũng như trong quan hệ quốc tế.

Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nước “ở bên kia chiến tuyến” với Triều Tiên. Những căng thẳng, đối đầu giữa Hàn Quốc với Triều Tiên cũng như Nhật Bản với Triều Tiên đã không ít lần gây sóng gió ở Đông Bắc Á, làm nóng thêm cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Cũng như đồng minh Washington, Tokyo và Seoul từng nghi ngờ Bắc Kinh vẫn ngấm ngầm làm ăn với Bình Nhưỡng bất chấp các lệnh cấm và biện pháp trừng phạt quốc tế. Và chính điều này đã vô hiệu hóa hoặc giảm thiểu hiệu quả các đòn trừng phạt quốc tế với Triều Tiên, giúp nước này huy động đủ nguồn lực để phát triển đồng thời các chương trình hạt nhân và tên lửa vốn rất tốn kém.

Thế nhưng, một nước Triều Tiên sở hữu sức mạnh hủy diệt hàng loạt, gồm cả vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), đã vượt qua “lằn ranh đỏ” nguy hiểm, khiến không chỉ bán đảo Triều Tiên mà cả khu vực Đông Bắc Á lâm vào tình thế có thể bùng nổ xung đột hạt nhân. Đây là tình huống mà  bất cứ bên nào trong cuộc khủng hoảng hiện nay đều không muốn xảy ra bởi tổn hại nghiêm trọng tới tất cả những người trong cuộc.

Thời gian gần đây, trước tốc độ phát triển nhanh tới mức hoàn thiện của chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng,  Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên theo lệnh cấm quốc tế. Tất nhiên, Bình Nhưỡng giữ vai trò quyết định trong việc bước đi trên con đường đối thoại, hòa giải và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, song sức ép và trừng phạt quốc tế, nhất là từ đồng minh chủ chốt, cũng là những tác nhân quan trọng thúc đẩy tiến trình này.

Tuy các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không nêu rõ cam kết chung đối với việc bảo vệ hòa bình và ổn định cho bán đảo Triều Tiên, nhưng tất cả đều thấy rõ đó chính là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trên bán đảo này không có bất kỳ một vũ khí hạt nhân nào của bất kỳ quốc gia nào. Tiếp sau thành công của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim 

Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in cuối tháng 4 vừa qua, việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ được khẳng định thêm trong cuộc gặp Thượng đỉnh giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp tới.

Bán đảo Triều Tiên chỉ có thể có hòa bình và ổn định lâu dài khi mà phi hạt nhân hóa ở đây phải là một tiến trình “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” với sự chung tay của tất cả các bên liên quan.