Chung tay đối phó thảm họa khói mù

ANTĐ - Toàn bộ 10 nước ASEAN cam kết cùng nhau hợp tác để xử lý vấn đề khói mù xuyên biên giới - một thảm họa môi trường mà nhiều nước thành viên đang phải gánh chịu.

Chung tay đối phó thảm họa khói mù ảnh 1Trẻ em Indonesia bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng bởi khói mù sinh ra từ cháy rừng

Việc Tổng thống Indonesia Joko Widodo buộc phải đột ngột cắt ngắn lịch trình chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên kể từ khi nhậm chức, dự kiến từ ngày 25 đến 28-10, sau khi nhận được tin cấp báo về tình hình nghiêm trọng do khói mù gây ra đã cho thấy tính chất của vấn đề được cho là “cuộc khủng hoảng khói bụi” ở trong nước. Nghiêm trọng hơn, cuộc khủng hoảng này còn lan sang các nước ASEAN láng giềng như Malaysia, Indonesia, Thái Lan và cả Việt Nam cách Indonesia cả nghìn km.

Là xuất phát điểm của cuộc khủng hoảng khi không thể kiểm soát được người dân địa phương đốt rừng làm rẫy hàng năm, Indonesia đương nhiên là quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất. Bộ Y tế Indonesia cho biết khoảng 500.000 người dân nước này đã phải điều trị bệnh hô hấp do không khí bị ô nhiễm từ nạn cháy rừng, trong đó ít nhất 19 người đã tử vong vì các bệnh liên quan tới hô hấp do khói mù.

Việc làm ăn và giao thông đi lại, đặc biệt là ngành hàng không của các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhiều chuyến bay bị hủy bỏ, trường học phải đóng cửa. Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa kiều Singapore (SCCCI),  đại diện cho hơn 40.000 công ty tại Singapore hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề và các ngành công nghiệp cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đã bị thiệt hại khoảng 10-30% do khói mù.

Được đánh giá là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử, khói mù gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, kinh tế… của người dân 7/10 nước trong khu vực ASEAN. Giải quyết tình trạng tồi tệ trên không còn là vấn đề của riêng Indonesia, nơi xảy ra hàng nghìn đám cháy rừng dai dẳng trong nhiều tháng qua, mà đã trở thành vấn đề chung của khu vực ASEAN.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 (AMME 13) diễn ra ngày 29-10 tại Hà Nội đạt được thỏa thuận nhằm chung sức ngăn chặn một cách có hiệu quả, hướng tới đích lớn theo đúng như Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (AATHP) là đến năm 2020 sẽ không còn khói mù do cháy rừng xảy ra tại các nước ASEAN. Một trong những sáng kiến quan trọng được thông qua tại Hội nghị AMME 13 là việc xây dựng Trung tâm Điều phối ASEAN về Kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới tại Indonesia.

Cùng với đó, các thành viên ASEAN sẽ tiếp tục tăng cường các cơ chế trong hợp tác, đối thoại, chia sẻ thông tin và huy động các nguồn lực kỹ thuật, tài chính để giải quyết vấn đề khói mù xuyên biên giới trong khu vực. Để đạt được mục tiêu này, các nước thành viên cũng đã nhất trí soạn thảo một lộ trình hợp tác ASEAN theo hướng kiểm soát khói mù xuyên biên giới sẽ được thực hiện ngay trong năm 2016, trong đó thúc đẩy việc chia sẻ những bài học kinh nghiệm, nâng cao năng lực thể chế, phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ để đạt được một “tầm nhìn không khói bụi” ASEAN sau 5 năm nữa.