Chung tay “dệt sợi dây” pháp lý, “trói” tham vọng chủ quyền phi pháp trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đang ngày càng có thêm nhiều tiếng nói cùng hành động mạnh mẽ phản bác yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu quốc gia này phải thượng tôn pháp luật, không có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở vùng biển đóng vai trò quan trọng với hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác của khu vực này cũng như với cả thế giới.
Tàu sắt to lớn của Trung Quốc dùng sức mạnh tấn công tàu cá vỏ gỗ của Việt Nam khi đang khai thác hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam

Tàu sắt to lớn của Trung Quốc dùng sức mạnh tấn công tàu cá vỏ gỗ của Việt Nam khi đang khai thác hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam

An ninh và ổn định ở Biển Đông là lợi ích chung

Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong trong trả lời hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 4-10 vừa qua đã kêu gọi các nước bên ngoài khu vực tránh “khiêu khích” về vấn đề Biển Đông và cho rằng bất kỳ tranh chấp nào cũng cần được giải quyết hòa bình. Tuy nhiên, ông Hor Namhong không trực tiếp đề cập “các cường quốc bên ngoài” là những nước nào khi trả lời hãng thông tấn chính thức của nhà nước Trung Quốc.

Thế nhưng, giới quan sát cho rằng phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh các cường quốc như Mỹ, Autralia, Anh, Pháp, Đức... cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á đã đệ trình văn bản lên Liên hợp quốc để phản đối tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong đó, Bộ Ngoại giao 3 nước Anh, Pháp và Đức (nhóm E3) vào trung tuần tháng 9 vừa qua đã trình công hàm chung lên Liên hợp quốc để phản đối những lập luận liên quan đến Biển Đông được Trung Quốc nêu trong 7 công hàm trước đó.

Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), các cường quốc Anh, Pháp và Đức trong công hàm chung đã nhấn mạnh, những tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến “quyền lịch sử” và “đường cơ sở thẳng” trên Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các điều khoản của UNCLOS 1982. Công hàm chung của nhóm E3 khẳng định, phán quyết ngày 12-7-2016 về Biển Đông (phán cho rằng những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý) của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) rõ ràng đã xác nhận điểm này.

Có thể nói lập trường của nhóm E3 cũng tương tự như lập trường tương tự trước đó của các quốc gia Đông Nam Á và Mỹ… đã đưa ra trong các công hàm liên quan đệ trình lên Liên hợp quốc để phản bác yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây được xem là những cú đòn pháp lý nặng ký giáng vào những căn cứ pháp lý mà Trung Quốc viện dẫn để đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông theo như yêu sách “đường lưỡi bò” hay thuyết “Tứ sa”.

Trung Quốc trước đó đã dựa trên yêu sách “đường lưỡi bò” và sau này thêm thuyết “Tứ sa” đã đơn phương đưa ra những lập luận không có cơ sở pháp lý, nhất là theo UNCLOS 1982, về cái gọi là “quyền lịch sử” và “đường cơ sở thẳng” để ráo riết tiến hành bồi đắp, xây dựng trái phép 7 bãi đá, thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo. Để rồi từ đó biến chúng thành các căn cứ quân sự quy mô lớn, có sân bay, cảng nước sâu.

Việc các cường quốc thế giới như Mỹ và nhóm E3… can dự vào cuộc đấu pháp lý không chỉ bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông mà còn bác bỏ quan điểm lâu nay của Bắc Kinh cho rằng tranh chấp ở Biển Đông là “vấn đề giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á”. Sự vào cuộc của các cường quốc thế giới và khu vực như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ… khẳng định Biển Đông là vùng biển có liên quan tới hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực cũng như thế giới, do vậy việc duy trì an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở đây là lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế.

“Trói buộc” pháp lý với yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông

Chia sẻ lập trường chung của các quốc gia Đông Nam Á nằm xung quanh Biển Đông, các cường quốc thế giới và khu vực cho rằng muốn đảm bảo lợi ích chung thì vấn đề cốt tử với tất cả các bên là phải thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan. Trong đó, Trung Quốc với tư cách là một cường quốc thế giới cũng như thành viên của UNCLOS 1982 phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc nếu tuân thủ luật pháp quốc tế, trước hết phải tuân thủ phán quyết mà Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines, theo đó tòa căn cứ vào UNCLOS 1982 đã cho rằng căn cứ mà Bắc Kinh viện dẫn để đòi chủ quyền ở Biển Đông là không có giá trị pháp lý. Một khi không có cơ sở pháp lý thì mọi hành vi, nhất là dựa vào sức mạnh, để đòi chủ quyền đều là phi pháp; đồng thời làm gia tăng căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Trên thực tế, trong các cuộc đấu pháp lý với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, các quốc gia khu vực luôn trích dẫn phán quyết ngày 12-7-2016 của PCA trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines. Đó luôn là một sự trói buộc pháp lý đối với bất cứ yêu sách hay hành vi đòi chủ quyền nào của Trung Quốc ở Biển Đông.

Một rào cản pháp lý khác bủa vây tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông là Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được xúc tiến đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc. COC được kỳ vọng là bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc về mặt pháp lý với các bên liên quan, qua đó giúp ngăn ngừa các hành vi gây căng thẳng, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Khi được hoàn tất và đi vào thực hiện, COC được xem có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, chứ không chỉ là một “tuyên bố chính trị” như Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) được Trung Quốc và ASEAN ký kết vào năm 2002. Trung Quốc không thể phớt lờ COC như từng làm đối với DOC dù chính họ là một bên đã đặt bút ký kết.

COC với các điều khoản ràng buộc dựa trên các tiêu chí từ các quy tắc quốc tế sẵn có như Công ước về Quy định va chạm quốc tế trên biển vốn yêu cầu các tàu phải điều hướng an toàn. Bộ quy tắc này cũng bao gồm những chế tài đối với các hành vi quân sự hóa; bồi đắp và cải tạo trái phép để thay đổi hiện trạng; tiến hành tập trận hay dùng sức mạnh đe dọa, bắt nạt… ở Biển Đông.

Có thể thấy, cùng với các quốc gia khu vực, những cường quốc thế giới cùng đang chung tay “dệt những sợi dây”, rào cản pháp lý để “trói buộc” những yêu sách cũng như các hành động sức mạnh đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông; qua đó góp phần kiềm chế hành động quân sự hóa Biển Đông, tạo ra một nền tảng pháp lý cho giải quyết tranh chấp, thiết lập trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và duy trì hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực.