Chung tay bảo vệ trẻ em

(ANTĐ) - Mỗi năm cả nước mất đi khoảng 7.300 trẻ tử vong do nhiều loại tai nạn, cùng với đó là trẻ bị bạo hành, xâm hại, bóc lột… ngày càng nghiêm trọng đang gióng lên hồi chuông báo động về sự cần thiết của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Việt Nam.

Nhân ngày quốc tế thiếu nhi 1-6:

Chung tay bảo vệ trẻ em

(ANTĐ) - Mỗi năm cả nước mất đi khoảng 7.300 trẻ tử vong do nhiều loại tai nạn, cùng với đó là trẻ bị bạo hành, xâm hại, bóc lột… ngày càng nghiêm trọng đang gióng lên hồi chuông báo động về sự cần thiết của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Việt Nam.

Còn nhiều hạn chế

Cần sự chung tay của xã hội để đảm bảo và thực hiện quyền của trẻ em
Cần sự chung tay của xã hội để đảm bảo và thực hiện quyền của trẻ em

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2009 tỷ lệ trẻ em chiếm 28% dân số cả nước. Các em chính là nguồn nhân lực quan trọng cần được bảo vệ trước mọi nguy cơ về tai nạn, xâm hại trong cuộc sống. Mỗi năm cả nước xảy ra hàng nghìn vụ xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em,  12 - 18 nghìn trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật và số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không ngừng tăng lên trong suốt 10 năm qua và năm 2009 đã là 1,54 triệu trẻ… Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ: “Chúng ta luôn nói trẻ em là tương lai của đất nước nhưng nhiều gia đình cũng như cộng đồng vẫn chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ an toàn cho trẻ. Một đứa trẻ sinh ra, lớn lên đòi hỏi rất nhiều công sức, kinh phí của gia đình và xã hội, thế nhưng chỉ một tai nạn như đuối nước, tai nạn giao thông… là toàn bộ công sức đó bị cướp trắng và nỗi đau tinh thần để lại là rất lớn”.

Năm 2011 là một năm cột mốc quan trọng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một Chương trình Quốc gia Bảo vệ trẻ em cho giai đoạn 2011-2015 với tổng kinh phí được Chính phủ phê duyệt là 1.755 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng cho nhiều dự án lớn, nhỏ thuộc chương trình. Nội dung chủ yếu tập trung vào truyền thông, giáo dục, vận động xã hội; nâng cao năng lực, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ; xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ và xây dựng, nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Có thể nói chưa bao giờ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Việt Nam nhận được sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế nhiều như hiện nay. Tuy nhiên những mục tiêu đặt ra sẽ không thể đạt được nếu không thực sự nhận được sự quan tâm, giúp sức từ các bộ, ngành liên quan, từ chính các gia đình cũng như toàn xã hội.

Vẫn thiếu nguồn lực

Cái khó nhất hiện nay của công tác này chính là nguồn lực bởi công tác chăm sóc trẻ phải được thực hiện ở 3 cấp độ. Đầu tiên là tuyên truyền, hỗ trợ và phòng ngừa cho trẻ ở những gia đình có nguy cơ cao, tiếp đến là can thiệp, chăm sóc cho trẻ khi có vấn đề xảy ra và cuối cùng là hỗ trợ trẻ sau khi bị sang chấn tâm lý và tách khỏi nguồn nguy cơ, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết thêm. Ở Anh tỷ lệ nhân viên công tác xã hội là 1/500 dân, ở Nhật Bản là 1/1.000 và Đức, Thụy Điển là 1/2.000, con số này ở Việt Nam là khoảng 1/11.000 dân. Từ đó có thể thấy được sự khó khăn, thách thức mà công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ hiện nay đang gặp phải.

Ông Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết: ”Trước đây chúng ta có Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em với 162.000 cộng tác viên, sau khi giải thể năm 2007 thì hiện nay chỉ còn hơn 7.000 người nhưng cũng còn yếu về trình độ và rất thiếu về số lượng”. Hiện Việt Nam đã có 31 trường đại học đào tạo cử nhân trong đó có 2 trường đào tạo thạc sỹ ngành công tác xã hội và mỗi năm có khoảng 1.000 sinh viên ra trường, mục tiêu đặt ra là đến năm 2015 cả nước sẽ có 90.000 cán bộ, cộng tác viên công tác xã hội. 

Những quy chuẩn về “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn” và “Cộng đồng an toàn” đã được Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế ban hành, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội đối với việc phòng chống, hạn chế tai nạn cho trẻ. Có lẽ đã đến lúc mỗi gia đình nói riêng và xã hội nói chung cần nhận thức được việc chăm sóc, đảm bảo môi trường sống, học tập an toàn, thân thiện cho trẻ không chỉ là công tác của riêng những cán bộ của ngành công tác xã hội hay giáo dục, lao động mà phải thực sự là “công tác của toàn xã hội”.

Tùng Yến