Chúng ta sẽ nhất thế giới?

ANTĐ - Vừa rồi, Quỹ Kinh tế mới (NEF) - một tổ chức phi chính phủ công bố danh sách 151 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát về chỉ số hạnh phúc, thì Việt Nam ta đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Costa Rica. Báo chí nước ngoài được dịp nói về sự hạnh phúc của dân ta, nghe mà sướng âm ỉ.

- Thế tiêu chí để đánh giá chỉ số hạnh phúc là gì?

- Có 3 tiêu chí gồm: mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình của người dân và dấu chân sinh thái. So với lần xếp hạng năm 2009 thì chúng ta từ vị trí thứ 5, nay lên ví trí thứ 2, sướng không?

- Ô, hạnh phúc như vậy mà mình không biết lại cứ đi kêu ca chuyện cơm áo gạo tiền, tắc đường tắc xe, “lâm tặc”, “cát tặc” và trăm thứ bà rằn khổ sở khác.

- Thì thế, tự mình làm khổ mình thôi. Tôi không biết mấy cái tiêu chí ấy, nhưng mình cố gắng đến mức cao nhất sự hài lòng về cuộc sống, tỷ như hôm nào đi làm mà không tắc đường thế là đã vui được một ngày. Ở cơ quan biết trên kính dưới nhường, làm được một việc xuất sắc, được sếp khen, đồng nghiệp quý thế là lâng lâng vui vài ngày. Về nhà vợ không mặt nặng mày nhẹ, con không la cà lêu lổng, thế là sướng. Hạnh phúc là đấy chứ xa xôi gì.

- Vâng, đấy là một quan niệm, giản dị và dễ chịu hơn sự giẫm đạp lên nhau để tìm kiếm hạnh phúc về mặt vật chất của kha khá người bây giờ.

- Nhưng rồi họ có hạnh phúc?

- Cũng tùy người, nhưng đa phần giàu có chưa chắc đã hạnh phúc. 

- Có nghĩa là nghèo thì dễ hạnh phúc?

- Không vặn vẹo kiểu ấy. Vả lại, Quỹ Kinh tế mới này đặt ra chỉ số hạnh phúc cũng nhấn mạnh đến yếu tố xã hội - tức hạnh phúc bền vững chứ không chú trọng tới khía cạnh vật chất. Cho nên ông đừng nói chuyện giàu nghèo ở đây.

- Nhất trí! Cũng vui nhỉ, không biết cứ cái đà này, đến lần khảo sát sau chúng ta có là người hạnh phúc nhất thế giới?