“Chung sống” với độc quyền của ngành điện

ANTĐ - Thông tin giá điện tăng 7,5% từ ngày 16-3, đang được nhiều doanh nghiệp và người dân hết sức quan tâm. Bên cạnh những thông tin cho biết ngành điện bị lỗ do giá điện bán thấp hơn giá thành, người tiêu dùng cần được thuyết phục mạnh hơn về tính minh bạch và hiệu quả của ngành điện. Bởi, ở góc độ tiêu dùng, người dân thường khó giám sát giá điện, ít có cơ hội được biết những chi phí của giá điện cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - doanh nghiệp vốn Nhà nước 100%.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, lần tăng giá này mới chỉ bằng 86-87% so với mức trần tăng giá đã được Chính phủ phê duyệt. Như vậy, giá điện sẽ còn “cơ hội” tăng khoảng 12-13%. Một hai ngày tới, ngành điện sẽ có thông báo cụ thể về việc điều chỉnh giá điện cho các nhóm khách hàng tiêu dùng theo mức tăng mới. Tuy nhiên, ngay bây giờ các doanh nghiệp có lượng tiêu thụ điện năng lớn như sản xuất thép, xi măng, cao su, siêu thị, đang phải tính toán lại chi phí sản xuất kinh doanh để điều chỉnh giá bán cho phù hợp. Với mức tăng giá điện 7,5%, ước tính 22 triệu hộ dân và doanh nghiệp sẽ phải “móc túi” thêm khoảng 13.000 tỷ đồng cho tiêu dùng điện trong năm. 

Theo tính toán của EVN, hộ dùng dưới 100 số điện/tháng sẽ phải trả thêm 5.000 đồng/tháng, dùng từ 100-130 số/tháng sẽ phải trả thêm 18.900 đồng/tháng, còn hộ dùng nhiều hơn sẽ phải trả thêm ít nhất 59.064 đồng/tháng. Còn theo ước tính của các ngành sản xuất lớn,  ngành xi măng sẽ mất thêm ngót 100 tỷ đồng vì giá điện tăng; ngành chế biến thủy sản, dệt may, da giày, ngay cả các siêu thị lớn… cũng bày tỏ lo ngại chi phí đầu vào sẽ bị ảnh hưởng lớn, giá các mặt hàng chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới.

Một số tổng giám đốc ngành thép, nhựa, cao su cho biết, trong Tết sức mua yếu, lương mới vừa áp dụng, việc điều chỉnh giá điện tăng 7,5% là quá cao, chỉ nên tăng 5%. Mặc dù giá điện chỉ chiếm 1-2% trong giá thành sản phẩm, nhưng với chi phí điện năng phải trả hàng tháng tăng lên nhiều triệu đồng sẽ là chi phí đội thêm không nhỏ đối với doanh nghiệp. Như vậy, người tiêu dùng đang chịu sức ép không hề nhỏ từ giá điện tăng.Trong nền kinh tế thị trường, mọi chi phí, giá thành cần phải được tính đúng, tính đủ. Đấy là một tất yếu.

Trong khi đó, những giải trình EVN về đầu vào, đầu ra, năng suất lao động, bộ máy cồng kềnh về chênh lệch tỷ giá, lỗ lãi, tổn thất đường dây… dường như chưa đủ thuyết phục người tiêu dùng. Khi giá điện “sáng bừng”, minh bạch, có lên và có xuống, đương nhiên người tiêu dùng sẽ vui vẻ chấp nhận như giá xăng dầu. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, vấn đề không phải giá điện tăng bao nhiêu mà là cách thức muốn tăng giá. Bộ Công Thương bảo vệ đề xuất tăng giá của EVN, thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Do vậy, người tiêu dùng vẫn đang chung sống cùng lợi thế độc quyền của EVN. 

Dẫu rằng, độc quyền ở những ngành cung cấp năng lượng quan trọng thiết yếu như điện lực là cần thiết, nhưng điều đặc biệt cần thiết ở đây là đòi hỏi minh bạch hóa hiệu quả của ngành điện. Người dân có lý khi đòi hỏi ngành công thương công khai hóa về năng lực quản trị ngành điện, chống tổn thất suy hao điện năng, tiết kiệm chi phí - giá thành sản xuất điện ra sao… Có như vậy, chuyện móc thêm hầu bao để trả tiền điện mới thoải mái, thuyết phục!