Chứng nhân lịch sử

ANTĐ - Tôi tin trong nỗi nhớ của người Hà Nội có hình ảnh sông Hồng và cầu Long Biên. Chao ơi! Cây cầu mang dáng rồng bay qua Hồng Hà in lên nền trời chiều sao mà đẹp, mà nên thơ đến thế! Và những con thuyền nan neo đậu dọc bên bờ giữa lau cỏ cũng là hình ảnh đẹp và thơ mộng vô cùng...

Cầu Long Biên (Ảnh: Hiếu Trung)

Nhưng có một cầu Long Biên chứng nhân lịch sử Hà Nội mang những giá trị sâu sắc, lắng đọng hơn trăm năm qua. Cái bi tráng thứ nhất là cầu được xây dựng bằng sức lực, máu và cả mồ hôi nước mắt của người Việt. Chính viên Toàn quyền Đông Dương Dume cũng đã khẳng định giá trị ấy. Bao nhiêu xương máu thợ đã vùi chôn suốt chiều dài của cây cầu. Cả cái công nghệ làm cầu thời ấy mới lạ lùng. Khó tin rằng những thanh thép được kết nối  với nhau khi thợ rèn là người đốt đỏ những cái đinh rive tung lên cho người thợ cầu bắt lấy và tán bằng búa đinh. Những cái đinh rive hơn trăm năm còn đó... Cầu Long Biên với sứ mệnh cõng những đoàn tàu qua sông xuôi ngược lên Bắc về Nam. Cầu cõng trên lưng già nua bao nhiêu phận người thương khó  qua sông bán buôn chạy chợ tảo tần... Rồi Trung đoàn Thủ đô rút qua sông vào đêm mùa đông năm ấy để bảo toàn lực lượng cho kháng chiến trường kỳ. Sau 9 năm, cầu lại đón những người con chiến thắng trở về. Chiến tranh chống Mỹ, cầu gồng mình chống chọi bom Mỹ để cõng những chuyến tàu đầy ắp tân binh, gạo và hàng hóa xuôi Nam. Cầu bị bom Mỹ đánh gãy ngang thân, ta lại nối bằng cáp treo cho vận tải thông suốt. Và mười năm nay tôi đi tìm lai lịch người lái xe tải đầu tiên qua thử trên đoạn cầu treo ấy, anh hy sinh khi cầu lật, khiến cả xe và người chìm đáy sông sâu... nhưng bặt vô âm tín.

Mười năm trước tôi đã có lần lên tiếng đề nghị cần xếp hạng bảo vệ di tích này, nhưng hình như số phận nó lớn quá, lớn hơn một cây cầu cho nên đến hôm nay người ta vẫn còn lưỡng lự. Lại có một lần cách nay gần chục năm, tình cờ ra thăm cầu, tôi được chứng kiến những người Pháp trong đoàn Bộ Công chính nước này  chạm vào từng thanh sắt trên cầu, từng cái rive với một niềm xúc động mạnh... Nhưng hình như cuộc đối đầu giữa phát triển và bảo tồn luôn quyết liệt. Xin đừng nghiêng về phát triển một cách quá lý tính, bởi phát triển  mà quên bảo tồn thì sẽ chỉ còn sự nuối tiếc những gì đã mất.

Số phận cầu Long Biên sắp được định đoạt. Tôi tin những gì thuộc về di sản sẽ còn lại với thời gian.