Khảo cổ học Cổ Loa:

Chứng minh huyền thoại nỏ thần có thật

ANTĐ - Sau 7 năm nghiên cứu, thực hiện 3 đợt khai quật khảo cổ học lớn về Thành Cổ Loa, tòa thành quy mô đầu tiên của nhà nước Âu Lạc, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 3-2 trước Công nguyên, hôm qua 3-12, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, Viện Khảo cổ học và Khoa Nhân học - trường Đại học Wisconsin - Madison (Hoa Kỳ) đã công bố toàn bộ kết quả nghiên cứu. Kết quả này một lần nữa khẳng định kỹ thuật xây thành, sự sáng tạo độc đáo của người Việt trong công cuộc chống giặc ngoại xâm.

Chứng minh huyền thoại nỏ thần có thật ảnh 1Các nhà khoa học trong một đợt khảo sát di chỉ Cổ Loa

Người Âu Lạc xây thành để phòng thủ

Đó là khẳng định của các nhà khảo cổ học sau nhiều đợt khai quật tại các vị trí Thành Nội, Thành Trung và Thành Ngoại. Đây là lần đầu tiên sau rất nhiều đợt khai quật thực hiện rải rác từ mấy chục năm trước lý giải, dẫn chứng một cách đầy đủ, chi tiết về kỹ thuật xây thành. Nếu như trước đây, người ta thấy dấu tích đắp thành theo hình vòng cung, rồi đến các giai đoạn tiếp theo cũng có hình dáng như vậy làm mở rộng kích thước của tường thành thì đợt nghiên cứu vừa qua tại Thành Nội và Ụ hỏa hồi phía đông bắc đã cho thấy các lớp đất đắp ở giai đoạn khác nhau đều có tính thống nhất, đó là tạo mặt phẳng chứ không đắp theo hình vòng cung và không hề có hiện tượng cắt đất tương đương với kỹ thuật của nhà Hán (Trung Quốc). 

Chứng minh huyền thoại nỏ thần có thật ảnh 2Dấu tích các tầng văn hóa tại Thành Cổ Loa

Theo Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp - Viện Khảo cổ học Việt Nam, quá trình khai quật đã cho thấy, phần lớn các bức tường thành đất được xây dựng trong thời gian khá nhanh. Sự kết hợp của những đồ tạo tác, tương phản kỹ thuật xây dựng và niên đại mà carbon phóng xạ đưa ra thông tin, đa số các lũy được xây dựng bởi người dân địa phương. Có nghĩa, Thành Cổ Loa do An Dương Vương đắp kế thừa tòa thành có trước đó, do các cư dân Đông Sơn xây dựng với mục đích phòng thủ. Tuy nhiên, thành do An Dương Vương đắp có quy mô to hơn gấp nhiều lần, khối lượng công việc chắc chắn tương ứng với một chế độ xã hội cao cấp dạng nhà nước sơ khai, có người đứng đầu quản lý hoạt động chung như nhà nước Âu Lạc. Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp khẳng định, quy mô, kỹ thuật, truyền thống đắp thành của người Việt rất khác so với kỹ thuật, những quy định cụ thể của nhà Hán.

Soi rõ truyền thuyết bằng chứng cứ khoa học

Với nguồn sử liệu, cùng những minh chứng khoa học, có thể thấy một chính thể kiểu nhà nước bản địa và địa phương đã xuất hiện trong giai đoạn Đông Sơn trước khi nhà Hán đến đô hộ. Trước khi Thành Cổ Loa được xây dựng thì chưa hề có bất cứ một di tích nào xuất hiện ở lưu vực châu thổ sông Hồng có kích cỡ và diện tích lớn như Cổ Loa. Đương nhiên, để xây dựng được thành lớn như vậy thì cần một lực lượng quân sự hùng mạnh, sự quản lý kiểu nhà nước và tập trung hóa, dân số đông và tiềm năng nông nghiệp trồng lúa lớn. Xóa tan những nghi ngờ quanh chuyện người Hán xây Thành Nội, có thể thêm một lần nữa khẳng định, An Dương Vương là người cho đắp thành Cổ Loa vào thế kỷ 3-2 trước Công nguyên. Tòa thành vừa bảo vệ kinh đô, hoàng gia và là căn cứ phòng thủ chắc chắn.

Chứng minh huyền thoại nỏ thần có thật ảnh 3Dấu tích các mảnh ngói Cổ Loa ở chân thành

PGS.TS Tống Trung Tín - nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu, đây là lần đầu tiên vấn đề nghiên cứu thành Cổ Loa được đưa ra bàn thảo một cách có hệ thống. Cuộc khai quật kéo dài 7 năm thu được thành tựu lớn với việc tìm ra lò đúc mũi tên đồng, PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng, ông rất tâm đắc với phát hiện này bởi nó minh chứng huyền thoại nỏ thần và tướng Cao Lỗ là có thật. Bên cạnh đó, kết quả này cũng xóa đi những nghi ngờ rằng Mã Viện mới là người đắp Thành Nội sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Còn theo Giáo sư Hoàng Văn Khoán, với việc tìm được lò đúc mũi tên đồng, lẫy nỏ thì có thể nối lại và khẳng định câu chuyện về Cao Lỗ người chế ra nỏ thần, về Mỵ Châu và Trọng Thủy… Và tất cả những thông tin đó cho chúng ta một cách tiếp cận mới về chiến thuật, chiến lược của An Dương Vương. 

Xung quanh những đề xuất về việc nghiên cứu, phục hồi những di tích tiêu biểu và đặc trưng của Thành Cổ Loa như 3 vòng thành hào, hỏa hồi, giếng Ngọc, đền thờ An Dương Vương…Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Thăng Long cho biết, hiện đã xây dựng quỹ đất khoảng 3ha để phục vụ nhu cầu giãn dân, lập quy hoạch bảo tồn tôn tạo di tích đặc biệt quan trọng này.