Chứng khoán lao dốc vì virus Corona, bao giờ nhà đầu tư nên "bắt đáy"?

ANTD.VN - Nhiều công ty chứng khoán cho rằng tín hiệu “bắt đáy” sẽ đến khi có thông tin khống chế dịch virus Corona thành công, bởi khi đó thị trường sẽ phục hồi và đi lên.

Tiếp tục đà lao dốc

Phiên giao dịch đầu tuần thị trường chứng khoán tiếp tục chứng khiến sắc đỏ nhuộm trên các bảng giao dịch. Cụ thể, thị trường mở cửa với áp lực bán tăng mạnh khiến VN-Index nhanh chóng mất mốc 900 điểm.

Hàng loạt cổ phiếu lớn như BVH, FPT, GAS, MSN, VIC, VNM, VCB, SAB, MWG… đều giảm mạnh. Hai mã hàng không HVN (VietNam Airline) và VJC (Vietjet Air) vẫn chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giảm sàn ngay mở phiên và tình trạng trắng bên mua kéo dài.

Tuy nhiên, sau đó, hai mã này phục hồi nhẹ và mức giảm đến cuối phiên lần lượt là 4,9% và 4,2%.

Đà giảm tương tự cũng diễn ra ở nhiều nhóm cổ phiếu như chứng khoán, ngân hàng, dầu khí, bất động sản, xây dựng…

Thời điểm giảm sâu nhất vào 9h25, chỉ số VN-Index giảm tới 37,84 điểm (4,04%) xuống 898,78 điểm; HNX-Index giảm 2,59% xuống 99,72 điểm và UPCom-Index giảm 1,81% xuống 54,13 điểm.

Tại mức điểm này, vốn hóa HoSE "bay hơi" 5,4 tỷ USD, tính 3 phiên giao dịch từ Tết Nguyên đán, vốn hóa thị trường đã mất đi 13,5 tỷ USD.

Sau những phút giao dịch có phần "hoảng loạn" đầu phiên, thị trường dần hồi phục trở lại nhờ lực cầu bắt đáy tăng, cùng sự cộng hưởng của đà hồi phục của thị trường chứng khoán thế giới.

Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 29,61 điểm (3,16%) xuống 907,01 điểm; HNX-Index giảm 2,37% xuống 99,94 điểm; UPCoM-Index giảm 2,21% xuống 53,91 điểm.

Đến phiên chiều, thị trường hồi phục khá tốt với nỗ lực của nhóm cổ phiếu ngân hàng, tiêu biểu là CTG (Vietinbank) và BID (BIDV), VPB (VPBank), VCB (Vietcombank)… hay các Bluechips như HPG (Tập đoàn Hòa Phát) , VNM (Vinamilk)...

Chốt phiên, VN-Index giảm 17,69 điểm 91,89%) xuống còn 918,93 điểm; HNX-Index giảm 1,42 điểm (1,38%) xuống còn 100,95 điểm; UPCoM-Index giảm 1,12 điểm (2,03%) xuống 54,02 điểm.

Khi nào nên “bắt đáy”?

Trước diễn biến giảm trên, nhiều nhận định lại cho rằng sắp đến thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư “bắt đáy”.

Theo đó, Vietinbank Securities cho rằng tín hiệu bắt đáy sẽ đến khi có quốc gia đầu tiên công bố khống chế dịch thành công, thị trường phục hồi và đi lên.

Các nhận định cho rằng thời điểm bắt đầu khống chế được dịch sẽ là lúc thị trường phục hồi

Cụ thể, Báo cáo của Vietinbank Securities cho rằng virus Corona với trình tự bộ gene được báo cáo là giống từ 75 đến 80% trình tự bộ gene của virus SARS. Do đó việc xem xét diễn biến thị trường chứng khoán khi xảy ra dịch SARS có thể mang lại những bài học giá trị nhất định cho nhà đầu tư.

Với những phân tích của mình, Vietinbank Securities khuyến nghị trong ngắn hạn (như trong dịch SARS thời gian tạo đáy khoảng 3-4 tháng) thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Corona. Ngưỡng hỗ trợ theo phân tích kỹ thuật mạnh gần nhất quanh mức 900 điểm.

Tín hiệu bắt đáy sẽ đến khi có quốc gia đầu tiên công bố khống chế dịch thành công, thị trường phục hồi và đi lên. Nhà đầu tư nên xem xét cơ cấu cổ phiếu sang nhóm ngành tài chính như CTG, MBB; nhà đầu tư ưa thích bắt đáy có thể xem xét tham gia thị trường bắt đáy nhóm cổ phiếu có xu hướng bật mạnh trở lại khi có nước công bố khống chế dịch thành công như nhóm cổ phiếu bất động sản nghỉ dưỡng, hàng không.

Tương tự, Công ty Chứng khoán MBS cũng cho rằng tâm lý thị trường được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các thị trường toàn cầu sẽ bật tăng, bù đắp những mất mát trước đây. Thống kê quá khứ cho thấy thị trường chứng khoán Thế giới đều hồi phục tốt sau mỗi lần diễn ra "đại dịch".

MBS cho rằng mặc dù đà giảm trên thị trường chứng khoán thế giới đã giảm tốc, tuy nhiên tâm lý lo sợ về dịch bệnh vẫn hiện hữu do đó, nhà đầu tư có thể kỳ vọng đà giảm sẽ tiếp tục nối dài trong một số phiên giao dịch tới, nhưng mức độ giảm trong mỗi phiên sẽ thu hẹp dần, cho đến khi thị trường đón nhận những thông tin tích cực về việc dịch bệnh được kìm hãm.

Hiện tại, rủi ro trong ngắn hạn đang ở mức cao, do đó, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu để bảo toàn vốn, đặc biệt là cổ phiếu trong các ngành bị ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh như du lịch, hàng không. Về kỹ thuật, với 2 phiên giảm vừa qua, các ngương hỗ trợ không phát huy tác dụng. Các nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát thị trường, chưa vội mở thêm vị thế mới.

Trong tuần này, khả năng 2 phiên đầu tuần thị trường vẫn còn chịu ảnh hưởng giảm từ thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Vùng hỗ trợ mới có thể giúp thị trường cân bằng có thể ở khu vực 900 - 925 điểm.

MBS cho rằng nhịp giảm của thị trường có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn đối với các cổ phiếu đã giảm sâu, do đó nhà đầu tư có thể chờ đợi cơ hội để tích lũy những cổ phiếu cơ bản tốt, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Y tế, Dược, Ngân hàng, bán lẻ, công nghệ, sản xuất và phân phối  điện…