Chứng khoán đảo chiều và những kỷ lục liên tục bị xô đổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Cơn điên” của dòng tiền có thể khiến những nguyên lý cơ bản bị phá vỡ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nó cũng khiến nhiều nhận định, dự báo trở thành lỗi thời, thậm chí thành sai chỉ sau 1 phiên giao dịch. Nhiều người phải thốt lên: Thị trường thật đảo điên!
Thị trường chứng khoán đang liên tục thiết lập những kỷ lục mới

Thị trường chứng khoán đang liên tục thiết lập những kỷ lục mới

Dòng tiền như thác lũ

Dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của đa phần các doanh nghiệp khó khăn, đình trệ, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến một đợt bùng nổ với nhiều kỷ lục liên tục bị xô đổ. Những phiên giao dịch tỷ đô không còn là cái gì đáng ngạc nhiên nữa.

Trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua (4-6), VN-Index đóng cửa với mức điểm kỷ lục 1.374,05 điểm, thanh khoản riêng trên HOSE, thanh khoản đạt tới trên 29,6 nghìn tỷ đồng. “Cơn điên” của dòng tiền chính là nguồn cơn của những diễn biến khó lý giải trên thị trường chứng khoán. Ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc HOSE cho biết, vào thời điểm tháng 12-2020 - khi hệ thống giao dịch của HOSE bị quá tải thì giá trị giao dịch bình quân một phiên mới đạt khoảng 12.200 tỷ đồng. Đến tháng 4-2021, thanh khoản mỗi phiên tăng lên 18.800 tỷ đồng và tháng 5 tăng tiếp lên mức 22.300 tỷ đồng.

Khi dòng tiền như thác lũ đổ vào thị trường, những kỷ lục về thanh khoản liên tục bị xổ đổ khiến hệ thống giao dịch trên sàn HOSE lại bị đe dọa an toàn. Trong phiên giao dịch ngày 1-6, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM lần đầu tiên phải tạm đóng cửa phiên chiều khi lượng thanh khoản lên tới trên 21.700 tỷ đồng dẫn tới đe dọa an toàn hệ thống. Sau đó, để hạn chế lệnh nhằm tránh tình trạng chậm lệnh, nghẽn lệnh, nhiều công ty chứng khoán đã phải đưa ra thông báo không cho phép nhà đầu tư hủy/sửa lệnh trên sàn HOSE. Câu hỏi đặt ra là: Tiền ở đâu mà nhiều thế? Chắc chắn không phải từ khối ngoại, vì từ đầu năm đến nay khối ngoại liên tục bán ròng mạnh. Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, khối này đã bán ròng vượt xa con số mà họ bán ra trong cả năm 2020. Dòng tiền đó cũng không phải phần lớn từ khối tự doanh của các công ty chứng khoán.

Theo hãng tin Bloomberg trong một bài viết gần đây, khoảng 90% giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam đến từ các nhà đầu tư cá nhân. Dòng tiền “nội” đã thay đổi hoàn toàn cục diện thị trường. Nếu như trước kia, thị trường phụ thuộc nhiều vào dòng tiền của khối ngoại thì nay ngược lại, hoạt động mua – bán của khối ngoại gần như không còn ảnh hưởng đến xu hướng giao dịch trên thị trường. Dù khối ngoại liên tục bán ròng mạnh, nhưng “hàng ra” là lập tức được dòng vốn của các nhà đầu tư “nội” hấp thụ hết.

Đơn cử như vài phiên trở lại đây, cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất thị trường với khoảng trên dưới 500 tỷ đồng/phiên, nhưng cổ phiếu này vẫn không ngừng đi lên, thậm chí còn tăng trần trong phiên ngày 3-6. Theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, số lượng tài khoản do nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 5-2021 tiếp tục đạt con số kỷ lục với 113.674 tài khoản. Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán. Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng, lượng tài khoản mở mới đã nhiều hơn cả năm 2020 tới 20% (năm 2020 mở mới 393.659 tài khoản). Điều này cho thấy một lượng lớn tiền vào thị trường chứng khoán là tiền của các nhà đầu tư F0. Nhà đầu tư F0 đông, tiền của nhà đầu tư F0 mạnh tới nỗi nhiều nhà đầu tư nói đùa: chỉ cần hỏi F0 mua gì và làm theo, thế là thắng.

Theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, môi trường lãi suất thấp, thiếu kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh dịch bệnh chính là nguyên nhân khiến dòng tiền F0 đổ vào thị trường chứng khoán ngày càng nhiều. Cùng với đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được cải thiện và kỳ vọng kiểm soát dịch bệnh tốt từ Chính phủ cũng khiến nhà đầu tư tin tưởng hơn vào thị trường. Dù thực tế, đà tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang khá lệch nhịp với đà tăng của các chỉ số chứng khoán.

Không phải “đánh đâu thắng đó”

Một điểm đáng chú ý là dù dòng tiền đang đổ rất mạnh vào thị trường nhưng lại có sự phân hóa cực lớn, tức là chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, sắt thép… Điều này khiến một nhóm nhỏ cổ phiếu tăng mạnh, thậm chí “tăng bằng lần” chỉ trong vài ba tuần, trong khi phần lớn còn lại không được hưởng lợi. Thậm chí hàng loạt bluechip như VNM, SAB, VIC, CTD hay TDH... trước đây vốn là những cổ phiếu hàng đầu thị trường thì lại trong xu thế giảm giá suốt từ đầu năm.

Riêng với cổ phiếu ngân hàng, có thể coi đây là thời kỳ “hoàng kim” khi tính đến nay, toàn bộ 27/27 cổ phiếu ngân hàng trên cả 3 sàn đều tăng rất mạnh, mức tăng từ vài chục cho đến cả trăm phần trăm. Chẳng hạn như VPB của VPBank, VIB của Ngân hàng Quốc tế, LPB của LienVietPostBank, SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội, EIB của Eximbank… đã tăng gấp 2-3 lần kể từ đầu năm. TCB của Techcombank, CTG của Vietinbank, ACB của Ngân hàng Á Châu, STB của Sacombank… cũng tăng 50 - 60%. Đáng chú ý, một số cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM, dù hoạt động kinh doanh không có nhiều đột biến, nhưng với biên độ tăng - giảm tới 15% nên giá một số mã đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 2 tuần “có sóng”, như cổ phiếu BSB của VietCapitalBank, VBB của VietBank…

Việc giá các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh thời gian qua đã khiến các dự báo, nhận định của nhiều chuyên gia, công ty chứng khoán trở nên “lạc hậu”. Chỉ với tháng 5 “bùng nổ”, mức giá mục tiêu mà các công ty chứng khoán đặt ra với nhóm cổ phiếu ngân hàng đến cuối năm đã bị công phá, một số công ty đã phải điều chỉnh lại mức giá mục tiêu cho các cổ phiếu này. Nếu đúng như các dự báo mới của các công ty chứng khoán này thì hẳn là “chân trời” vẫn còn rất rộng mở đối với các nhà đầu tư muốn “lên tàu” cổ phiếu ngân hàng. Sở dĩ cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền là nhờ kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận tăng mạnh trong quý I và kế hoạch chia cổ tức, các thông tin về tăng vốn, phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài của các nhà băng trong năm nay.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, khoảng 16 ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể với kế hoạch tăng 82.700 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm việc tăng qua chia tách cổ phiếu; phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu; phát hành cổ phiếu lựa chọn cho nhân viên (ESOP). Còn Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) thì nhận định P/E (chỉ số giá cổ phiếu/lợi nhuận) và P/B (giá cổ phiếu/giá trị sổ sách) toàn ngành ngân hàng vẫn còn hấp dẫn khi lần lượt thấp hơn 30% và 16% so với chỉ số VN-Index.

Do đó, Công ty chứng khoán này nhận định, so với thị trường mới nổi và ASEAN, mức định giá cao hơn hiện tại của cổ phiếu ngân hàng vẫn hoàn toàn phù hợp với hiệu suất sinh lời hấp dẫn và tiềm năng của ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn mặt bằng chung. Dù vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng, trong mỗi nhóm ngành đều có cổ phiếu tốt và cổ phiếu không tốt. Và dù dòng tiền chủ đạo F0 vẫn đang rất mạnh nhưng chủ yếu là dòng tiền đầu cơ theo tâm lý đám đông, có thể tiềm ẩn gây nhiều rủi ro cho thị trường.

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, việc nhà đầu tư F0 thiếu kiến thức, tâm lý “bầy đàn” và một số lạm dụng đòn bẩy tài chính để lướt sóng sẽ mang lại nhiều rủi ro. Chẳng hạn như khi thị trường giảm thì có thể họ sẽ rút vốn hàng loạt, gây nên sự hoảng loạn trên thị trường. Và các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc lựa chọn những cổ phiếu tăng nóng suốt thời gian dài có thể khiến nhà đầu tư rơi vào nguy cơ “đu đỉnh” hay “bắt dao rơi”. TS Nguyễn Trí Hiếu thì khuyến cáo, nhà đầu tư không nên quá sốt ruột khi thấy mình đứng ngoài cuộc, sợ lỡ cơ hội mà đổ xô vào những cổ phiếu nóng. Quan trọng trong giai đoạn này, các nhà đầu tư phải cân đối danh mục để phân bổ rủi ro. “Trong tài khoản nên có những mã ổn định, mã tăng trưởng, mã mới nổi và nếu chấp nhận mạo hiểm thì có những mã có thể tạo sóng, kiếm lời. Không nên chỉ đầu tư vào các nhóm cổ phiếu tăng nóng thời gian dài” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Nhà đầu tư không nên quá sốt ruột khi thấy mình đứng ngoài cuộc, sợ lỡ cơ hội mà đổ xô vào những cổ phiếu nóng. Quan trọng trong giai đoạn này, các nhà đầu tư phải cân đối danh mục để phân bổ rủi ro. Trong tài khoản nên có những mã ổn định, mã tăng trưởng, mã mới nổi và nếu chấp nhận mạo hiểm thì có những mã có thể tạo sóng, kiếm lời. Không nên chỉ đầu tư vào các nhóm cổ phiếu tăng nóng thời gian dài.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu