Chứng khoán chinh phục ngưỡng 1.500 điểm, nhịp hồi kỹ thuật hay xu hướng tăng dài hạn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chỉ số chứng khoán liên tục chinh phục các mức cao mới, cách đỉnh cũ không xa. Nhiều chuyên gia nhận định đây không đơn thuần là một nhịp hồi kỹ thuật, mà có thể đang bắt đầu một xu hướng tăng dài hạn.

Thị trường tích cực, dòng tiền sôi động

Tuần qua, thị trường chứng khoán mang lại nhiều cảm xúc tích cực cho các nhà đầu tư khi VN-Index liên tục tăng mạnh trên vùng đỉnh 3 năm với thanh khoản rất sôi động. Cụ thể, chỉ số sàn HoSE có tới 3/5 phiên tăng trên 10 điểm, kết tuần ở mức 1.497,28 điểm, tăng tổng cộng gần 40 điểm (2,71%) so với tuần trước. Trong phiên cuối tuần, có thời điểm VN-Index đã vượt 1.500 điểm trước khi điều chỉnh nhẹ do áp lực chốt lời.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã tăng tới gần 18%. Dòng tiền sôi động khi thanh khoản 2 phiên cuối tuần tiến sát mốc 40.000 tỷ đồng, riêng trên sàn HoSE vượt 34.000 tỷ đồng.

Dòng tiền luân chuyển mạnh mẽ giữa các nhóm ngành dẫn dắt gồm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán và bán lẻ, giúp các chỉ số tăng vững chắc.

Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán đang được hưởng lợi từ hàng loạt nhân tố tích cực. Trong đó, động lực quan trọng đến từ các thông tin tích cực về đàm phán thuế quan. Cùng với đó là triển vọng kinh tế vĩ mô tươi sáng khi các chính sách tài khóa, tiền tệ, giải ngân đầu tư công đang phát huy tác dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gần 8%.

Ngoài ra, tiến trình nâng hạng thị trường cũng đang có những tín hiệu tích cực, hứa hẹn thu hút dòng vốn quốc tế mạnh mẽ, tạo lực đẩy để VN-Index vượt qua các đỉnh cũ, thiết lập vùng giá cao mới.

Lãi suất ở mức thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng, các kênh đầu tư khác trầm lắng cũng góp phần thúc đẩy dòng tiền chảy vào các kênh tài sản rủi ro như chứng khoán.

Thị trường chứng khoán những ngày qua mang lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư

Thị trường chứng khoán những ngày qua mang lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư

Kẻ cười, có người vẫn khóc

Dù các chỉ số chứng khoán liên tục chinh phục mức cao mới, nhưng cảm xúc của nhà đầu tư là khác nhau. Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, đã có những nhà đầu tư khoe lãi lớn. Tuy nhiên, không ít người nuối tiếc vì đã vội chốt lời sớm hoặc nắm giữ các cổ phiếu không tăng tương đồng với diễn biến chỉ số.

Chị Minh Phương, một nhà đầu tư nắm giữ danh mục nhiều cổ phiếu penny chia sẻ, trong nhịp tăng vài tuần trở lại đây, hầu hết các cổ phiếu của chị cũng tăng nhưng không đáng kể. Duy chỉ có cổ phiếu LDG liên tục tăng trần, nhưng đáng tiếc là chị đã chốt lời vào giữa tuần trước, khi cổ phiếu này mới có 7 phiên tăng trần.

“Nhìn cổ phiếu LDG liên tục tím lịm suốt tuần này, tôi thật sự có phần tiếc nuối. Trong khi tài khoản của tôi vẫn chưa “về bờ”, do nắm ít cổ phiếu lớn. Thời điểm này tôi cũng không dám vào thêm cổ phiếu vì lo “đu đỉnh” khi thị trường bị chốt lời” – chị Phương nói.

Tương tự, anh Ngọc Thắng chia sẻ anh đã chốt lời phần lớn danh mục khi VN-Index vượt 1.400 điểm, vì không tin tưởng vào đà tăng bền vững của thị trường trong bối cảnh thuế quan phức tạp hiện nay. Nhìn các cổ phiếu tiếp tục tăng vù vù, anh tiếc nuối nhưng cũng không dám mua vào, mà tiếp tục chờ nhịp chỉnh.

Theo các chuyên gia, khi chỉ số tiệm cận hoặc vượt mốc 1.500 điểm, áp lực chốt lời trong phiên có thể gia tăng, dẫn đến những nhịp điều chỉnh là điều bình thường. Hạn chế lớn của nhà đầu tư Việt Nam là tâm lý không vững vàng nên thường chốt lời sớm, dẫn đến không tối ưu được lợi nhuận.

Nguyên nhân của tâm lý này xuất phát từ cấu trúc thị trường, khi nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 80-90% tổng giao dịch, cùng thói quen sử dụng margin ở mức cao, dễ bị tác động quá mức bởi biến động thị trường.

Về chiến lược đầu tư, các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là lựa chọn cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, triển vọng khả quan trong năm nay, giá chưa tăng quá mạnh và vẫn giữ mức định giá hợp lý.

Nhà đầu tư tận dụng các đợt điều chỉnh trong xu hướng tăng giá để giải ngân, đồng thời quản trị danh mục chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ khi cổ phiếu giảm vượt ngưỡng cho phép (khoảng 5-10%).

Ngoài ra, nhà đầu tư nên hạn chế FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội), tránh mua những mã cổ phiếu đã tăng giá mạnh nhưng không có nền tảng cơ bản vững chắc.

Thị trường đang bắt đầu một “Megatrend”?

Với bối cảnh vĩ mô và tình hình chính trị trong nước/quốc tế hiện nay, các chuyên gia đồng thuận cho rằng, bước sang nửa cuối năm, xu hướng tích cực tiếp tục được nối dài khi Việt Nam đạt được những bước tiến đáng kể trong các cuộc đàm phán về thuế đối ứng, đồng thời nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dòng vốn ngoại quay trở lại rõ rệt với giá trị mua ròng gia tăng trên cả hai sàn lớn. Song song đó, tâm lý của nhà đầu tư trong nước cũng chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy đà tăng điểm của thị trường.

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng – Giám đốc phân tích Chứng khoán Nhất Việt (VFS), sau giai đoạn trầm lắng kéo dài trong năm 2024, thị trường đã chứng kiến một cú hích mạnh mẽ từ sự kiện thuế quan – yếu tố "thiên nga đen" bất ngờ nhưng lại đóng vai trò như một đợt rũ bỏ cuối cùng trước khi bước vào pha tăng giá mới. Dòng tiền cá nhân trong nước duy trì ổn định, trong khi lực bán ròng từ khối ngoại suy giảm rõ rệt, giúp xác nhận sự hình thành "Megatrend" - xu hướng tăng dài hạn.

Điểm tựa của của thị trường là các yếu tố kinh tế vĩ mô và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Với dự báo lợi nhuận sau thuế toàn thị trường có thể tăng 19% so với năm 2025, ông Hoàng cho rằng thị trường sẽ dao động quanh vùng 1.500 - 1.686 điểm, tương ứng với mức định giá P/E từ 13 – 15 lần, phản ánh kỳ vọng tăng trưởng dài hạn của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó với việc thanh khoản thị trường quay lại vùng đỉnh lịch sử, thị trường đã xác lập vị thế vững chắc của một chu kỳ tăng trưởng mới, có chiều sâu và bền vững.

“Đây không còn là nhịp hồi kỹ thuật, mà là giai đoạn đầu của một Megatrend” – vị chuyên gia nhận định.