Chứng chỉ VietGap cũng được bán - mua

ANTĐ - Nhiều vụ việc cung cấp rau không rõ nguồn gốc xuất xứ, rau lấy từ các chợ đầu mối nhưng gắn “mác” rau an toàn bị lực lượng chức năng phát hiện trong thời gian qua chưa kịp lắng, thì mới đây lại xuất hiện tình trạng “gạ gẫm” doanh nghiệp mua chứng chỉ VietGap với giá không hề rẻ.

Chứng chỉ VietGap cũng được bán - mua ảnh 1Chứng chỉ VietGap đang bị lạm dụng?

Buông lỏng hậu kiểm

Có lẽ, người tiêu dùng còn chưa quên vụ việc, lợn có nguồn gốc từ nông hộ chăn nuôi được cấp chứng chỉ VietGap (thực hành nông nghiệp tốt) bị phát hiện dương tính với chất cấm salbutamol mới đây tại TP. HCM.

Cụ thể, ngày 27-4, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp Chi cục Thú y TP.HCM đã tiêu hủy 80 con lợn nhiễm chất cấm salbutamol trị giá 400 triệu đồng do thương lái Nguyễn Văn Toàn nhập từ Đồng Nai về giết mổ tại một công ty thực phẩm lớn tại TP.HCM. Đáng nói, số lợn này có nguồn gốc từ một nông hộ chăn nuôi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cấp chứng nhận VietGap nông hộ.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, hiện nhiều địa phương sau khi cấp chứng nhận VietGap cho nông hộ đã “quên” mất khâu hậu kiểm.

Sự việc lợn VietGap nhiễm chất cấm càng làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng, sau khi xảy ra những vụ việc cá nhân, hợp tác xã lợi dụng được cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn để thu gom rau không rõ nguồn gốc xuất xứ đưa vào siêu thị, các bếp ăn tập thể. Tình trạng này dẫn đến hệ quả là trong khi người tiêu dùng “khát” thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn thì không ít doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân lại rơi vào cảnh làm ra sản phẩm an toàn nhưng không bán được, hoặc bán với giá thấp, không có lời.

Có tiền là đạt chuẩn

Mới đây, dư luận tiếp tục giật mình trước thông tin, chứng nhận VietGap có thể “thuận mua vừa bán”. Theo đó, giá mỗi chứng chỉ VietGap được chào mời với mức 90 triệu đồng. Đáng nói, theo điều tra của VTV24, nhân viên của Công ty CP Chứng nhận và giám định VinaCert (Công ty VinaCert-1 trong 22 đơn vị được Cục Trồng trọt chỉ định cấp chứng chỉ VietGap) còn chào mời khách hàng rằng, có thể cấp “khống” chứng chỉ VietGap. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VinaCert cho biết, đơn vị đã cho thôi việc nhân viên nói trên và khẳng định 70 đơn vị đã được VinaCert cấp chứng nhận VietGap đều làm đúng quy trình. Đặc biệt theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Công ty VinaCert không tham gia cả quá trình chứng nhận VietGap, nghĩa là từ khi gieo trồng, xuống giống đến khi thu hoạch mà chỉ tham gia vào khâu cuối cùng trong quá trình chứng nhận.

Điều này có nghĩa chỉ khi sản phẩm hình thành, đơn vị mới thẩm định hồ sơ do một đơn vị tư vấn khác thực hiện trước đó, nếu đủ điều kiện sẽ cấp chứng nhận theo đơn giá quy định của công ty. Công ty chỉ đưa ra mức giá khung cho từng hạng mục, tùy trường hợp cụ thể, nhân viên kinh doanh của công ty hoàn toàn có quyền được đàm phán giá với khách hàng về mức giá để cấp chứng chỉ VietGap. Bởi đến nay, Nhà nước cũng chưa có một quy định nào về mức giá cho mỗi chứng nhận như VietGap, GlobalGap là bao nhiêu. 

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Ma Quang Trung cho biết, sau khi nắm được thông tin nhân viên Công ty VinaCert bán giấy chứng nhận VietGap, Cục đã yêu cầu thanh tra công ty này và thông báo kết quả trước ngày 30-7 đồng thời kiểm tra tất cả 22 đơn vị đã được Cục Trồng trọt chỉ định chứng nhận VietGap. “Nếu kết quả thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm, Cục Trồng trọt sẽ rút giấy phép và thậm chí đề nghị xử lý nghiêm đơn vị này”, ông Ma Quang Trung khẳng định.