Chúc Tết hay chúc... chết!

ANTĐ - Cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán là ngành y tế lại phải công bố con số buồn về những ca cấp cứu do tai nạn giao thông và đánh nhau, mà phần lớn trong những số đó nguyên nhân liên quan đến rượu bia. Nhưng dường như những con số khủng khiếp ấy vẫn chưa đủ thức tỉnh những kẻ thích lấy rượu làm “đầu câu chuyện”. 

Trong dịp Tết Ất Mùi này, con số Bộ Y tế công bố số bệnh nhân khám cấp cứu do đánh nhau trong dịp Tết là 6.868 trường hợp, trong đó 15 người tử vong, nguyên nhân chính là do “ma men dẫn lối”. Nhiều người hỏi, sao người Việt lại thích đánh nhau đến thế, sao thói xấu của người Việt lại phơi bày ra nhiều đến thế vào dịp Tết. Hóa ra vì rượu đưa lối dẫn đường.

 Về tai nạn giao thông thì hậu quả còn khủng khiếp hơn, chỉ tính 9 ngày Tết (từ 15 đến 23-2), cả nước xảy ra 536 vụ TNGT và va chạm giao thông làm chết 317 người, bị thương 509 người. Như vậy, mỗi ngày có đến 35 người chết vì TNGT. Bệnh viện Việt Đức cho biết, hầu hết những ca cấp cứu đưa đến bệnh viện này đều ở tình trạng rất nặng như: chấn thương sọ não, gãy đùi, cụt tay, vỡ hàm mặt, dập nội tạng, đa chấn thương... Phần không nhỏ trong số đó khi vào viện vẫn còn nồng nặc mùi rượu.

Có mặt tại phòng cấp cứu của một bệnh viện trong ngày Tết, mới thấy nỗi đau mà những con “ma men” gây ra cho chính bản thân mình và những người thân của họ. Có những kẻ dập cả mặt, máu me be bét nhưng khi vào đến bệnh viện vẫn lè nhè, đuổi bác sĩ ra không cho rửa, băng bó vết thương. Có kẻ mềm nhũn, được nhóm bạn mặt mũi đỏ gay, có lẽ mới ít phút trước đó còn ngồi cùng bàn nhậu dìu vào viện, kèm theo những tiếng quát mắng bác sỹ ầm ĩ. Lại có những người mẹ, người chị nức nở bên ngoài phòng cấp cứu, thi thoảng hé cửa lo lắng nhìn trộm vào bên trong, nơi có người thân đang nằm bất tỉnh…

Có quá nhiều bài học đắt giá từ việc uống rượu bia, nhất là vào dịp Tết nhưng chẳng thể thay đổi được thói quen uống rượu. Uống rượu thì phải có lý do, thế nên trăm nghìn lý do được viện ra để người ta tống rượu vào họng nhau, năm mới chúc nhau muôn lời hay ý đẹp, mà đã chúc Tết thì phải uống rượu, rồi đúng thì uống thưởng, sai thì uống phạt, người trên mời người dưới, người dưới kính người trên, người quen uống cho thân, người lạ thì uống làm quen… Mà cũng lạ, người Việt có thói ép nhau uống rượu bằng say mới thôi, từ chối thế nào cũng bị trách, bị từ mặt, thậm chí là dùng nắm đấm mà nói chuyện, anh em lại hóa thù hằn. Cứ như cái lý ấy thì ly rượu chính là phương tiện để đong đếm tình cảm, nếu mời mà không uống rõ ràng là khinh nhau. Thế là cuộc rượu cứ kéo dài…

Tiệc tan thì cũng là lúc rượu đã ngấm đủ từ trong ra ngoài, len vào từng nơ ron thần kinh mà điều khiển lời ăn tiếng nói, hành vi của những con sâu rượu. Thế là kẻ này nhìn “ngứa mắt”, người kia nói “ngứa tai”... bao nhiêu vụ ẩu đả cũng do vậy mà ra. Rồi những kẻ trở về nhà sau những cuộc vui hết mình, với những lời chúc tốt đẹp nhất trong ngày Tết, khi tỉnh rượu đã thấy mình… trong bệnh viện. Chúc Tết thế này, chả hóa ra chúc… chết.