Chực chờ cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc

ANTD.VN - Trong khi bóng ma của chiến tranh thương mại toàn diện vẫn đang đè nặng thì giữa Mỹ và Trung Quốc lại có nguy cơ khai hỏa một cuộc chiến mới - cuộc chiến trong lĩnh vực công nghệ, thông tin.

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump ra đòn với Huawei không chỉ giáng đòn nặng nề vào tập đoàn này mà còn có thể khai hỏa cho cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc đang liên tiếp phải chịu những đòn chí mạng sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài với đích nhắm nhằm vào “ông lớn” có doanh số đạt tới trên 100 tỷ USD mỗi năm này. Cho dù lệnh cấm này đã được hoãn thực thi trong vòng 90 ngày, song không phải vì thế mà tổn hại với tập đoàn Huawei kém phần nghiêm trọng.

Giông tố nổi lên với tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vào ngày 15-5 vừa qua khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài “có thể gây nguy hại an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ”. Bộ Thương mại Mỹ ngay sau đó đã cụ thể hóa sắc lệnh này bằng việc đưa tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei và 68 thực thể vào một danh sách đen xuất khẩu nhằm cấm tập đoàn này mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ.

Sắc lệnh trên đã lập tức làm dấy lên cơn bão khủng khiếp trong lĩnh vực công nghệ thông tin toàn cầu khi chỉ riêng việc bán các sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng, các thiết bị đeo theo người như đồng hồ thông minh tại Trung Quốc cũng như khắp thế giới đã mang về cho Huawei khoảng 50 tỉ USD, chiếm hơn 45% tổng thu nhập năm 2018 của tập đoàn. “Ông lớn” công nghệ này của Trung Quốc còn có những dự án công nghệ thông tin đầy tham vọng, đặc biệt là mạng 5G ở nước ngoài.

Vì thế, lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gây cơn chấn động lớn toàn cầu, ảnh hưởng lớn tới không chỉ các tập đoàn, công ty công nghệ mà hàng chục triệu người tiêu dùng. Đây là điều khiến chính quyền Mỹ vào ngày 20-5 đã tuyên bố tạm hoãn thực thi lệnh cấm xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei đến giữa tháng 8 tới, nhằm giảm thiểu những rắc rối gây ra cho khách hàng của tập đoàn này trên thế giới.

Thế nhưng, không phải vì thế mà thiệt hại với tập đoàn có tổng doanh thu 105 tỷ USD, vượt cả “người khổng lồ” IBM của Mỹ, có thể giảm nhẹ. Tập đoàn Google đã tuyên bố cắt đứt nguồn cung cấp phần cứng và một số dịch vụ phần mềm cho tập đoàn Huawei, theo đó tập đoàn này của Trung Quốc ngay lập tức mất quyền truy cập vào các bản cập nhật của hệ điều hành Android. Những chiếc điện thoại thông minh phiên bản tiếp theo do Huawei sản xuất ngoài thị trường Trung Quốc cũng không thể truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ phổ biến của Google như Gmail hay chợ ứng dụng Google Play.

Các nhà sản xuất chip bao gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom cũng đã thông báo rằng họ sẽ ngừng cung cấp phần mềm và linh kiện quan trọng cho Huawei đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, Intel hiện là nhà cung cấp chip máy chủ chính, Qualcomm cung cấp bộ vi xử lý và modem điện thoại thông minh, Xilinx bán chip lập trình mạng và Broadcom cung cấp chip chuyển đổi cho Huawei.

Thế nên, bất chấp việc nhà sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi, ngày 21-5 có lên tiếng trấn an rằng các hạn chế của Mỹ không gây tác động lớn vì Huawei đã có sự chuẩn bị trước, đồng thời cho rằng Chính phủ Mỹ đang “đánh giá quá thấp các năng lực của Huawei”, song giới phân tích cho rằng không như vậy. Không chỉ có thể phải chịu thiệt hại trị giá nhiều tỷ USD mà tổn thất hiện chưa thể “cân đo đong đếm” vào lúc này là đòn giáng chí mạng vào tham vọng vươn lên thành “gã khổng lồ” công nghệ thông tin bậc nhất toàn cầu của Huawei, nguy hại hơn là khai hỏa một cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại toàn diện đang cận kề.