Chuẩn nào cho hướng dẫn viên du lịch quốc tế?

(ANTĐ) - Quy định của Luật Du lịch về việc cấp thẻ và đổi thẻ đối với hướng dẫn viên (HDV) du lịch quốc tế, trong đó có yêu cầu phải có bằng đại học đã có nhiều dư luận trái chiều. Có ý kiến cho rằng lực lượng HDV du lịch Việt Nam vốn đã thiếu đang có nguy cơ thiếu nghiêm trọng hơn nếu ngành du lịch không có cách xử lý linh hoạt.

Chuẩn nào cho hướng dẫn viên du lịch quốc tế?

(ANTĐ) - Quy định của Luật Du lịch về việc cấp thẻ và đổi thẻ đối với hướng dẫn viên (HDV) du lịch quốc tế, trong đó có yêu cầu phải có bằng đại học đã có nhiều dư luận trái chiều. Có ý kiến cho rằng lực lượng HDV du lịch Việt Nam vốn đã thiếu đang có nguy cơ thiếu nghiêm trọng hơn nếu ngành du lịch không có cách xử lý linh hoạt.

Hiện nay cả nước có khoảng 10.000 HDV, trong đó có khoảng 6.000 HDV quốc tế. Trên thực tế thì nhu cầu HDV du lịch cao hơn nhiều con số này dẫn đến tình trạng chất lượng chưa được đáp ứng. Điều đáng lo nữa là trong bối cảnh các hoạt động quảng bá cho du lịch nước nhà đang rất được chú trọng thì công tác đào tạo nguồn nhân lực lại chưa đáp ứng được. Việc đào tạo nặng về lý thuyết mà thiếu kiến thức thực tế. Ngay cả HDV du lịch quốc tế cũng không được đào tạo ngoại ngữ đến nơi đến chốn, khi ra trường không đủ khả năng phiên dịch chứ chưa nói gì đến chuyện làm HDV. Mặt khác, cả nước mới chỉ có trường đại học có khoa du lịch, trường đào tạo chuyên biệt về du lịch mới ở hệ cao đẳng. Ngay cả chuẩn nghề, chuẩn đào tạo cũng là mỗi trường mỗi kiểu…

Hướng dẫn viên du lịch cần nâng cao các kỹ năng để đáp ứng tình hình
Hướng dẫn viên du lịch cần nâng cao các kỹ năng để đáp ứng tình hình

Để chuẩn hóa đội ngũ HDV du lịch, đặc biệt là HDV du lịch quốc tế, Luật Du lịch (được hình thành trên cơ sở Pháp lệnh Du lịch năm 1999) đã quy định việc cấp mới và đổi thẻ HDV du lịch quốc tế. Theo đó, thẻ HDV du lịch quốc tế sẽ phải đổi 3 năm một lần, điều kiện là phải có trình độ văn hóa đại học trở lên và chứng chỉ về du lịch nếu không tốt nghiệp đại học chuyên ngành du lịch. Ngoài ra còn phải có bằng đại học ngoại ngữ hoặc các chứng chỉ khác theo quy định.

Theo một số cơ sở lữ hành, đối với HDV sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp, tỷ lệ cấp đổi thẻ khá cao. Ngược lại, một số ngôn ngữ ít thông dụng hơn như tiếng Hoa, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Tây Ban Nha, Ả rập… tỷ lệ cấp thẻ còn khá thấp vì không đáp ứng đủ điều kiện tốt nghiệp đại học hoặc chứng nhận ngoại ngữ theo yêu cầu. Đối với nhiều thứ tiếng, phần lớn HDV là công nhân, kỹ thuật viên đã từng lao động, học tập ở nước ngoài, sau khi về nước tham gia làm HDV còn số được đào tạo chính quy, tốt nghiệp đại học lại rất ít. Nhiều người hoạt động trong ngành du lịch cho rằng, với quy định cứng nhắc như trong Luật Du lịch có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nghiêm trọng HDV du lịch quốc tế, nhất là với các ngôn ngữ ít thông dụng.

Không những thế, nhiều HDV lâu năm cũng gặp phiền hà khi phải đổi thẻ. Quản lý bộ phận hướng dẫn viên của một công ty du lịch có tiếng ở Hà Nội cho biết, đã là HDV du lịch nhiều năm đã có bằng đại học ngoại ngữ, có thẻ không thời hạn rồi nhưng vẫn phải đi học, phải kiểm tra để đổi thẻ có thời hạn.

Những người làm luật lại có những lý lẽ khác. Bà Phạm Lê Thảo, Trưởng phòng Quản lý Hướng dẫn du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng thực tế không phủ nhận có những trường hợp không qua đại học nhưng họ vẫn đam mê, học hỏi và làm HDV du lịch rất tốt. Tuy nhiên, pháp luật là định chế và không thể chạy theo những trường hợp không phải đại diện như vậy. Thực tế thì Tổng cục Du lịch cũng đã gia hạn cấp thẻ tạm thời 2-3 năm trước khi bắt buộc đổi thẻ có thời hạn như hiện nay, trong thời gian này những trường hợp như vậy cần phải học bổ sung các bằng cấp cần thiết để được cấp, đổi thẻ. Chúng ta thiếu HDV tiếng hiếm nhưng không đồng nghĩa với việc phải có đủ bằng mọi giá.

Về việc tại sao đã được cấp thẻ không thời hạn rồi mà vẫn phải đổi sang thẻ có thời hạn, bà Thảo giải thích: “Trước đây, khi chưa có Luật Du lịch (mà chỉ có Pháp lệnh Du lịch), thẻ được cấp không ghi thời hạn chứ không có nghĩa là thời hạn vĩnh viễn. Thẻ HDV là một chứng chỉ hành nghề, cũng như  nhiều ngành nghề khác sau một thời gian thì bắt buộc phải thi lại tay nghề. Và cũng phải cấp đổi lại thẻ thì mới xác định được ở mỗi thời điểm chúng ta có bao nhiêu HDV, tiếng gì và còn để định hướng cho việc đào tạo”.

Linh Nhật