Chuẩn hóa chương trình, đa dạng hóa hình thức

QĐND - Những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh, Hội đồng Giáo dục Quốc phòng-An ninh (HĐGDQP-AN) Quân khu 1 luôn coi trọng công tác GDQP-AN cho các đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức của toàn dân về nhiệm vụ xây và bảo vệ Tổ quốc, củng cố, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.

Phân loại đối tượng, bồi dưỡng phù hợp

Trung tướng Nguyễn Sỹ Thăng, Chính ủy, Phó chủ tịch HĐGDQP-AN Quân khu 1 cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác GDQP-AN, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 1 thường xuyên chỉ đạo Hội đồng GDQP-AN các cấp kịp thời kiện toàn tổ chức, hoạt động có nền nếp, thực hiện tốt chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác GDQP-AN. Từ đầu năm, Hội đồng GDQP-AN quân khu có văn bản chỉ đạo Hội đồng GDQP-AN các địa phương tiến hành khảo sát, nắm chắc số lượng, phân loại các đối tượng trong diện bồi dưỡng kiến thức QP-AN (BDKTQP-AN)”. Trên cơ sở đó, Tư lệnh Quân khu 1 ra chỉ thị về BDKTQP-AN cho các đối tượng trên địa bàn và giao chỉ tiêu cho Trường Quân sự quân khu và các đơn vị thuộc quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức BDKTQP-AN từ đối tượng 2 đến đối tượng 5, các chức sắc, nhà tu hành và chức việc các tôn giáo, cán bộ công đoàn, đoàn viên ưu tú, giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non… Từ năm 2011 đến nay, Quân khu 1 và các địa phương đã tổ chức 334 lớp BDKTQP-AN cho gần 24.100 người.

Hội đồng GDQP-AN Trung ương kiểm tra kiến thức QP-AN đối với sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh).

Hội đồng GDQP-AN Trung ương kiểm tra kiến thức QP-AN đối với sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh).

Công tác GDQP-AN cho học sinh, sinh viên luôn được tổ chức Đảng và chính quyền các cấp, các ngành, các nhà trường trên địa bàn Quân khu 1 quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là môn học chính khóa có vị trí quan trọng, là nội dung giáo dục, rèn luyện hình thành nhân cách, góp phần nâng cao ý thức QP-AN, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, trên địa bàn Quân khu 1 có 202 trường THPT, 26 trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, 28 trường cao đẳng và 11 trường đại học... Năm học 2010-2011, có 257/257 trường và 99,9% học sinh, sinh viên hoàn thành chương trình GDQP-AN; số học sinh được kiểm tra đạt 93,2%, tỷ lệ khá và giỏi đạt 75,35%. Có 193/198 trường THPT tổ chức học theo phân phối chương trình, đạt 97,5%. Mặc dù chưa có nội dung chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, song trên cơ sở của chương trình trung học và cao đẳng, Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh đã vận dụng xây dựng nội dung chương trình phù hợp với đối tượng học.

Chuẩn hóa nội dung GDQP-AN

Để từng giờ học, từng chuyên đề sinh động, hấp dẫn, bớt “khô cứng” đối với người học, năm 2011, Ban CHQS huyện Tân Yên (Bắc Giang) sau khi hoàn thành nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện đã giữ lại toàn bộ hệ thống công sự hầm hào, khu sơ tán, tổ chức cho gần 7000 học sinh, sinh viên các trường THCS và THPT trên địa bàn huyện tham quan, học tập. Bộ CHQS tỉnh nâng cấp nhà truyền thống, khu trưng bày hiện vật, hằng năm đón hàng nghìn lượt cán bộ, nhân dân đến tham quan. Hội đồng GDQP-AN tỉnh tổ chức cho các đối tượng thuộc diện bồi dưỡng kiến thức QP-AN đi tham quan các khu di tích lịch sử, bảo tàng, doanh trại quân đội đóng quân trên địa bàn; kết hợp hiệu quả việc bồi dưỡng GDQP-AN thông qua hệ thống băng đĩa, sa bàn, phòng trưng bày vũ khí tự tạo.

Công tác GDQP-AN toàn dân trên địa bàn Quân khu 1 được cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, mặt trận… quán triệt, triển khai thực hiện tích cực. Cơ quan quân sự, công an, tuyên giáo, báo, đài của Trung ương và địa phương bám sát nhiệm vụ chính trị đơn vị, địa phương và các sự kiện trọng đại của đất nước, công tác tuyển quân và các hoạt động của LLVT... để tuyên truyền. Bà Ma Thị Nguyệt, Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐGDQP-AN tỉnh Thái Nguyên, khẳng định: “Cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ QP-AN là điều kiện tốt để cấp ủy, chính quyền địa phương thuận lợi hơn trong việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hội đồng GDQP-AN tỉnh Thái Nguyên luôn phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng GDQP-AN cho các đối tượng”.

Hội đồng GDQP-AN tỉnh Thái Nguyên giao Hội Cựu chiến binh (CCB) ký kết với Đoàn thanh niên xây dựng nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ. Theo đó, nhân các dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, Đoàn, ngày thương binh-liệt sĩ, ngày truyền thống quân đội, hội CCB các cấp tổ chức đến các trường học, tổ chức cơ sở đoàn giao lưu, nói chuyện truyền thống, kể chuyện chiến đấu. "Vấn đề mấu chốt trong công tác GDQP-AN là giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân hiểu rõ nội dung cơ bản của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là tỉnh miền núi, giáp biên, địa phương luôn chú trọng BDKTQP-AN cho các đối tượng già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc tôn giáo, nên chất lượng hiệu quả công tác GDQP-AN cho nhân dân chuyển biến rõ rệt, an ninh chính trị ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững" - ông Trần Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng GDQP-AN tỉnh Cao Bằng chia sẻ.

Tuy vậy, qua khảo sát chúng tôi thấy, công tác GDKTQP-AN trên địa bàn Quân khu 1 còn một số vướng mắc, bất cập, như giáo trình GDQP-AN cho các bậc học từ THPT đến đại học, một số nội dung đã lạc hậu, cần biên soạn, sửa đổi, bổ sung. Bộ Quốc phòng cần quy định cụ thể về biên chế tổ chức, trần quân hàm sĩ quan biệt phái tại các trung tâm GDQP-AN sinh viên...

Bài và ảnh: Hồng Khánh Chi