Chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết: Không tăng giá quá 5%

ANTD.VN - Theo Sở Công Thương Hà Nội, ước tính năm nay, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 23.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với năm 2016). 

Chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết: Không tăng giá quá 5% ảnh 1Nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết tại Hà Nội hàng năm đều tăng cao

Sẽ quản lý các điểm nóng về giá

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dự báo diễn biến thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố sẽ tăng cao trong dịp Tết, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; nông, lâm sản khô; bánh mứt kẹo, rượu - bia - nước giải khát…

Dự kiến, số lượng hàng hóa chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong 2 tháng Tết lên tới 176.000 tấn gạo; 30.600 tấn thịt lợn; 12.800 tấn thịt gà; 9.200 tấn thịt bò; 187,4 triệu quả trứng gia cầm; 183.400 tấn rau củ; 3.000 tấn bánh mứt kẹo... Để bảo đảm lượng hàng hóa này, Sở Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Dự kiến tổng giá trị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp này sẽ đạt khoảng 23.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với năm 2016). Trong đó, giá trị hàng hóa dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường của doanh nghiệp kinh doanh thương mại là khoảng 11.500 tỷ đồng; của các doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo, rượu - bia - nước giải khát là 9.000 tỷ đồng và của các chợ là khoảng 680 tỷ đồng...

Năm nay, thay vì sử dụng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để bình ổn giá dịp Tết, thành phố Hà Nội sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng lãi suất hợp lý. Dù vậy, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp phải ổn định về giá, không tăng giá quá 5% trong dịp Tết. “Mọi năm có vốn ngân sách thì đưa ra chỉ tiêu về tăng giá, năm nay không có nhưng Sở sẽ vẫn giữ phương án quản lý giá như vậy để đảm bảo ổn định về giá cả trong dịp Tết. Sở sẽ có các biện pháp quản lý các điểm nóng về giá”, ông Lê Hồng Thăng nhấn mạnh. 

Nếu vướng mắc, gọi ngay đường dây nóng

Theo kế hoạch của Sở Công Thương, năm nay, thành phố sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 20 trung tâm thương mại, 119 siêu thị, 700 cửa hàng tiện ích, các hộ kinh doanh và 454 chợ trên địa bàn. Ngoài ra, Sở sẽ tổ chức 5 điểm bán hàng Việt phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất (dự kiến từ 18-12 đến 27-12 âm lịch); 22 phiên chợ Việt và 100 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, siêu thị cũng đã có kế hoạch triển khai phục vụ Tết. Đại diện hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, doanh nghiệp đã dự trữ 250 tỷ đồng tiền hàng phục vụ Tết. Từ nay đến Tết Nguyên đán, hệ thống siêu thị này sẽ mở thêm 2 siêu thị tại Trương Định và Linh Đàm nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp này. Đồng thời, Fivimart cũng khẳng định sẽ mở cửa từ mùng 2 Tết để phục vụ người tiêu dùng. 

Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, dự kiến, công ty sẽ có trên 60 cửa hàng phục vụ Tết, 100 điểm bán hàng lưu động phục vụ Tết ở ngoại thành, 6 điểm bán hàng thông qua Giao thừa. 

Để đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ dịp Tết, Sở Công Thương khẳng định sẽ theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành để giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Sở Công Thương sẽ chịu trách nhiệm trung gian sẵn sàng đáp ứng điều phối mối quan hệ giữa sản xuất và lưu thông trên địa bàn thành phố cũng như gắn kết với các cơ sở sản xuất tại địa bàn các tỉnh khác. “Các doanh nghiệp gặp vấn đề vướng mắc, chỉ cần gọi điện, nhắn tin hoặc gửi thư điện tử cho Sở, thậm chí gọi điện cho Giám đốc Sở”, ông Lê Hồng Thăng đề nghị. 

Đặc biệt, Sở Công Thương cho biết sẽ đặc biệt quan tâm đến kênh phân phối là hệ thống các chợ. Đây là một kênh phân phối lớn nhưng những năm trước đây ít được quan tâm, việc quản lý chưa chặt chẽ. Theo đó, Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp quản lý chợ, các Ban quản lý chợ chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại các chợ chuẩn bị hàng hóa để đưa ra tiêu thụ phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.