Chuẩn an toàn cho đèn tuýp huỳnh quang

ANTĐ - Theo Thông tư số 30/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định tạm thời về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử, từ ngày 1-1-2012, hàm lượng thủy ngân trong bóng đèn huỳnh quang tuýp lưu hành trên thị trường không được vượt quá 15 mg (trước đây không giới hạn sử dụng).

Băn khoăn với hàm lượng thủy ngân

Đèn huỳnh quang tuýp gầy (T8) hiện đang được sử dụng phổ biến trong rất nhiều ứng dụng chiếu sáng như nhà ở, trường học, văn phòng, nhà xưởng... Thiết bị này có khá nhiều ưu điểm, đặc biệt là hiệu quả chiếu sáng tốt, tiết kiệm điện, dễ sử dụng và giá thành sản phẩm cạnh tranh. Tuy nhiên, độ an toàn của đèn vẫn là mối bận tâm với nhiều người. Nếu đèn bị vỡ, hoặc đèn đã qua sử dụng không được xử lý đúng cách, hơi thủy ngân thoát ra có thể tác động đến môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải.

Một bóng đèn tuýp có thể chứa từ 3 mg đến 46 mg thủy ngân, tùy vào kích thước, công nghệ sản xuất, thương hiệu của đèn. Các loại đèn thế hệ mới, đèn của nhà sản xuất uy tín thường có hàm lượng thủy ngân thấp hơn và ngược lại. Những năm gần đây, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu đưa ra các quy chuẩn giới hạn hàm lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang. Tại một số nước tiên tiến và các nước thuộc liên minh châu Âu, hàm lượng giới hạn cho phép hiện nay là 15 mg/ bóng đèn tuýp phổ thông. Mức trần khống chế này cũng vừa được Việt Nam áp dụng theo Thông tư số 30/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương có hiệu lực từ đầu năm nay.

Với năng lực về vốn và công nghệ, các nhà sản xuất lớn thường chủ động nghiên cứu, phát triển các loại đèn huỳnh quang ít thủy ngân, an toàn hơn cho người sử dụng và thân thiện hơn với môi trường. Tuy vậy, việc loại bỏ hoàn toàn thủy ngân trong đèn huỳnh quang là điều khó có thể vì đây là hóa chất xúc tác thiết yếu để đèn phát sáng.

Philips Lifemax lập chuẩn an toàn mới

Từ tháng 10-2011 Công ty Điện tử Philips Việt Nam - Ngành Chiếu sáng bắt đầu triển khai dự án chuyển đổi công nghệ sản xuất đèn huỳnh quang tuýp tại nhà máy của công ty đặt tại KCN Biên Hòa II. Trọng tâm của dự án là thay thủy ngân dạng lỏng trong bóng đèn bằng thủy ngân dạng rắn. Đến tháng 11-2011 công nghệ mới đã được ứng dụng vào toàn bộ dây chuyền sản xuất tại nhà máy. Kết quả là đèn huỳnh quang tuýp gầy Philips Lifemax được sản xuất theo quy trình công nghệ cải tiến đã giảm gần gấp đôi hàm lượng thủy ngân sử dụng, từ 17mg xuống dưới 9mg. Với hàm lượng được cho là thấp nhất so với các sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường, Philips Lifemax đã đi tắt đón đầu quy chuẩn mới của Bộ Công Thương, đồng thời thiết lập một chuẩn an toàn mới cho thị trường bóng đèn huỳnh quang tại Việt Nam. 

Theo ông Alex Ngian, Tổng Giám đốc Ngành Chiếu sáng của Philips Việt Nam, bên cạnh chi phí đầu tư nhiều tỷ đồng, việc chuyển đổi công nghệ cũng làm tăng thêm chi phí sản xuất bởi công nghệ mới đòi hỏi quy trình phức tạp hơn, và thủy ngân dạng rắn luôn đắt hơn thủy ngân dạng lỏng. “Mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi là mang đến lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng thông qua việc tạo ra những sản phẩm chiếu sáng có chất lượng, tiết kiệm điện, an toàn và thân thiện với môi trường”, ông nói.

Thủy ngân dạng rắn hiện chỉ mới được sử dụng phổ biến trong đèn huỳnh quang compact. Philips Việt Nam là nhà sản xuất đầu tiên đưa công nghệ thủy ngân rắn vào đèn huỳnh quang tuýp. Một số chuyên gia trong lĩnh vực chiếu sáng nhận định bước tiến công nghệ của Philips Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy ngành chiếu sáng trong nước phát triển theo hướng xanh và bền vững hơn.