Chưa yên tâm với dự Luật Đất đai

ANTĐ - Hôm qua, 14-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo (lần 2) sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đất đai (sửa đổi). 

Người dân đang chờ đợi những chỉnh sửa quan trọng từ Luật Đất đai (sửa đổi)

Chưa có sở hữu tư nhân

Liên quan tới dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UBKT) Nguyễn Văn Giàu đã giải trình về đề nghị rất nhạy cảm: bổ sung hình thức sở hữu tư nhân đối với một số loại đất (như đất ở) và đề nghị dùng khái niệm sở hữu Nhà nước thay cho sở hữu toàn dân. Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Thường trực UBKT thấy rằng, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã được thực hiện ổn định từ năm 1980 đến nay phù hợp với chế độ xã hội ở nước ta; cần được duy trì nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội. Hơn nữa, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp với Hiến pháp hiện hành và đường lối của Đảng về đất đai”. 

Xung quanh ý kiến nên quy định cụ thể việc áp dụng phương pháp định giá đối với từng loại đất, Thường trực UBKT thấy rằng để định giá đất phải áp dụng nhiều phương pháp khác nhau tùy theo loại đất, thông tin về giá đất thị trường, thu nhập từ việc sử dụng đất. Vì vậy, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể. 

Về hạn mức giao đất nông nghiệp - vấn đề được hàng triệu người nông dân quan tâm, UBKT cho biết, thực tế, việc giao đất nông nghiệp chủ yếu đã thực hiện trong giai đoạn trước  theo Luật đất đai 1993. Đến nay, có rất ít địa phương còn quỹ đất nông nghiệp để giao. Mặt khác, Luật Đất đai 1993 và 2003 đã quy định khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Vì vậy, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa các quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp trong Luật đất đai 2003 để đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật và đời sống của các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

Không thể vội vàng

Trao đổi về dự luật, một số thành viên UBTVQH băn khoăn trước hàng loạt vấn đề chưa được làm rõ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu quan điểm: “Vấn đề hiện đang tắc vẫn là phân định rõ thực chất quyền sở hữu và quyền sử dụng. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì việc định giá phải đặc biệt, không như những tài sản khác và chủ thể quyết định giá phải là Nhà nước. Giao cho tư nhân định giá là không hợp lý”. 

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nêu thêm những vấn đề khác cần làm rõ như việc thực hiện các quyền về đất, quy hoạch sử dụng các loại đất; cấp các loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ phân loại đất; giải pháp đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch, đặc biệt là giữ đất trồng lúa...

Giải trình thêm những vấn đề UBTVQH nêu, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ đang xây dựng, hoàn thiện 5 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Khi trình dự án luật để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới, Chính phủ sẽ trình kèm 5 dự thảo nghị định này. Tới đây, Bộ TN-MT sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... “Bộ rất cố gắng song đòi hỏi đột phá mà không thay đổi chủ sở hữu thì không dễ dàng” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Dự luật thể hiện có phần còn đơn giản. Trước nay, Luật Đất đai luôn có nhiều hướng dẫn nhất. Lần này, phải làm sao hạn chế tối đa những nội dung để Chính phủ hướng dẫn... Qua thảo luận ở Quốc hội, có thể thấy dự thảo chưa đạt yêu cầu, mà tiếp thu như thế này thì không có chỉnh sửa gì lớn so với bản đã trình Quốc hội. Cho nên, có ý kiến kiến nghị nếu thông qua Luật này ngay kỳ họp tới e  hơi vội. Tôi cho rằng luật này nên thể hiện đầy đủ như Bộ Luật Lao động. Nếu thấy chưa đủ kỹ, chưa đủ sâu thì phải lấy ý kiến nhân dân, chưa vội ban hành... Chúng ta quyết tâm làm nhanh, nhưng không thể vội vàng...”.