Chưa yên tâm với cải cách hành chính, chống tham nhũng

ANTĐ - Sáng 17-11, thảo luận về nội dung thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, các ĐBQH quan tâm “mổ xẻ” những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, cải cách hành chính cũng như phòng chống tham nhũng... .

Chưa yên tâm với cải cách hành chính, chống tham nhũng ảnh 1

7 lĩnh vực lớn đều chuyển biến tốt

Trình bày Báo cáo tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, Thủ tướng và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành, cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện, đạt được những kết quả tích cực. Cả 7 nội dung lớn nêu trong các Nghị quyết đều có chuyển biến tốt. Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ những mặt hạn chế, nhiều lĩnh vực chưa đạt yêu cầu. Đó là việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tiêu thụ nông sản còn khó khăn; chưa bảo đảm tốt an ninh, an toàn mạng; bội chi ngân sách còn cao; nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn; chất lượng giáo dục đại học và dạy nghề còn nhiều hạn chế, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp còn cao; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Thảo luận về nội dung trên, nhiều ĐB thẳng thắn chỉ ra, không ít vấn đề khó khăn vướng mắc trong thực tiễn, gây bức xúc dư luận vẫn chưa được đánh giá nghiêm túc, sâu sắc. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đặt vấn đề, Việt Nam có lợi thế lớn về nông nghiệp nhưng chúng ta chưa đặt bài toán phát triển lĩnh vực này một cách tổng thể. “Tôi hoan nghênh Bộ trưởng Bộ NN&PTNN đưa ra chương trình tái cấu trúc ngành với 12 nhóm vấn đề nhưng chỉ Bộ NN&PTNN thì không giải quyết được tình hình. Không phải chỉ là trồng cây gì, nuôi con gì mà còn là nuôi trồng bằng phương thức nào để hạ giá thành, bán thế nào, bán cho ai để được giá. Nếu không giải quyết được đồng bộ các vấn đề này thì nông dân không bao giờ thoát khỏi cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa...” – ĐB Trần Du Lịch chất vấn.

Bộ máy còn cồng kềnh

Dẫn chứng từ thực tế thi tuyển công chức, chạy chức chạy quyền, hay “đưa phong bì” trong khám chữa bệnh, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, người dân phải dùng "phong bì" để mong được việc, chứ không phải họ muốn đưa. Nếu để thực trạng này kéo dài, tham nhũng còn phức tạp. Cũng theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền, thời gian qua, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh nhưng mới chỉ giảm được vài thủ tục, trong khi việc tinh giản bộ máy hành chính chưa làm được. Đặc biệt, tình trạng quá nhiều cấp phó trong các cơ quan hành chính khiến dư luận không đồng tình.

Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, theo đề nghị của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời những vấn đề liên quan đến ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (khối tài sản khổng lồ và câu chuyện bổ nhiệm cán bộ - PV). Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, vụ việc liên quan đến ông Trần Văn Truyền thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư Trung ương. “Tại kỳ họp trước, tôi đã báo cáo trước Quốc hội, vụ việc này. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra và báo cáo Ban Bí thư. Ban Bí thư có chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm quy trình kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đồng chí Trần Văn Truyền, đến nay chưa có kết luận nên chúng tôi chưa có thông tin. Sau này có kết luận của Ban Bí thư, theo chỉ đạo của Ban Bí thư, chúng tôi sẽ thông tin kịp thời” – Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Quốc hội

Sáng 17-11, để làm rõ thêm một số vấn đề các ĐBQH đã nêu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ xin tiếp thu một số vấn đề về thời gian báo cáo chậm, tính dự báo quản lý Nhà nước, để  xảy ra rồi mới rà soát, về kỷ luật kỷ cương hành chính còn yếu, vấn đề minh bạch hóa trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với công tác cán bộ, cán bộ dân tộc thiểu số, các bộ khung pháp lý các cấp các ngành thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, chống tham nhũng, chống gian lận thương mại…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ xin trân trọng lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Quốc hội và cử tri cả nước. Chính phủ sẽ nỗ lực, tập trung cao hơn vào công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là những vấn đề đang còn tồn tại, yếu kém. 

Chính phủ cũng sẽ có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc quyết liệt hơn, thường xuyên hơn những vấn đề ĐBQH nêu ra và đưa vào Nghị quyết chất vấn.