Chưa xứng tầm vóc

ANTĐ - Không thiếu nhà điêu khắc đủ trình độ và năng lực để làm nên các tác phẩm tượng đài đẹp mắt nhưng lâu nay trong giới điêu khắc luôn tồn tại một nỗi trăn trở là Việt Nam chưa có được những công trình xứng đáng với tầm vóc và thẩm mỹ cần có. 

Môtíp quen thuộc khi làm về tượng đài anh hùng dân tộc

“Nở rộ” phong trào xây dựng tượng đài

Với một đất nước từng trải qua chiến tranh, đề tài về người lính, về công-nông-binh, về tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh từ lâu đã trở thành chủ đạo trong xây dựng tượng đài. Những bức tượng dựng lên phần nào nhắc nhở các thế hệ sau này không được quên ơn những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Nhưng thực tế lại cho thấy những tồn tại, thiếu sót nghiêm trọng trong quá trình xây dựng các công trình tượng đài tại Việt Nam.  

Phong trào xây dựng tượng đài lâu nay nở rộ tại các địa phương. Các bức tượng và phù điêu hoành tráng nối nhau mọc lên, công trình sau to hơn công trình trước về quy mô nhưng chất lượng nghệ thuật… lại bị xem nhẹ. Có nhà điêu khắc còn thẳng thừng cho biết: nói đến tượng đài đừng nhắc đến nghệ thuật làm gì cho mệt, mô típ giống nhau đến ngỡ ngàng, đã là anh bộ đội thì một tay phải cầm khẩu súng, tay kia giơ lên như đang xung trận, là tượng bà mẹ Việt Nam Anh hùng thì hoặc quàng khăn, hoặc cầm khăn, tay giơ cao... Đấy là chưa kể đến, tượng đài Việt Nam nặng về tuyên truyền nên ngôn ngữ phải làm sao cho nhân dân dễ hiểu. Những kiến thức về hình khối trong không gian ít được sử dụng trong xây dựng tượng đài. Có lẽ, hai điều này đã làm cho chất lượng tượng đài tại Việt Nam rất thấp. Tượng “mọc lên” không phù hợp với không gian, cảnh quan xung quanh vì thế trở nên lạc lõng và xấu xí trong mắt người thưởng thức. Vậy thì, cho dù bức tượng đó có ý nghĩa tốt đẹp đến mấy cũng không thể chuyển tải thông điệp đến người xem.  

Môtíp tượng đài chiến thắng luôn có một người giơ súng ở giữa

Hội đồng nghệ thuật “làm vì”

HĐNT được thành lập, các nhà điêu khắc chỉ chiếm tối thiểu số thành viên hội đồng nên không có quyền về chất lượng nghệ thuật công trình. Như vậy, HĐNT lập nên cũng chỉ “làm vì” mà ít có tác dụng thật sự. Đến khi tác phẩm được phóng tác ra thực tế, tác giả không được tham gia vào quá trình này mà giao cho một đơn vị xây dựng đảm nhận. Nhưng chất lượng xấu hay đẹp của công trình lại gắn liền với tên tuổi của tác giả. Chính điều này là sự bất cập trong xây dựng tượng đài khi tác giả không có quyền tự quyết nhưng lại là người hoàn toàn chịu trách nhiệm trước dư luận. Nhà điêu khắc Phan Gia Hương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Tôi đã làm nhiều công trình tượng đài, điều làm tôi thấy bức bối nhất là sự cứng nhắc trong nghiệm thu công trình. Bên nghiệm thu thì đo đếm từng li từng tí chiều cao, chiều rộng. Nhưng trong mỹ thuật, việc xa rời cả nửa thước để gọt bớt, làm thấp đi cũng không sao, miễn là tượng đẹp. Sự mâu thuẫn về nhìn nhận giữa nghệ thuật và xây dựng dẫn đến nhiều công trình đẹp nhưng không được nghiệm thu”. 

Từ thực tế này, nhà điêu khắc Phan Gia Hương đề nghị Luật Mỹ thuật sửa đổi nên nới lỏng 5% khối lượng tác phẩm cho bên mỹ thuật làm đẹp công trình tượng đài. Hơn thế, cũng cần thấy rằng, nghệ sỹ được quyền tự do sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật nhưng các cuộc thi điêu khắc đã vô tình bó buộc tác giả trong những hình mẫu đã định sẵn, các địa phương khống chế tác giả sáng tác trong những môtíp quen thuộc. Chính vì thế, điều cần đổi mới đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng tượng đài chính là thay đổi tư duy và thói quen đánh giá tác phẩm của các địa phương. Hãy trao cho nghệ sỹ toàn quyền sáng tác và tham gia vào quá trình xây dựng thì tượng mới đẹp được.