Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ

‘‘Chưa thực sự nhìn vào yếu kém”

ANTĐ - Không phải lần đầu tiên, các ĐBQH “chê” báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ được "tô hồng" hơn thực tế, song, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, những ý kiến kiểu này lại nhiều hơn hẳn. Điều này cho thấy sự lo lắng và không yên tâm của các ĐBQH về tình hình chung của nền kinh tế hiện nay. Dư luận cho rằng sự lo lắng của các vị đại diện cho cử tri cả nước là có cơ sở bởi nếu không “bắt đúng bệnh” của nền kinh tế thì không thể “kê đơn” đúng liều lượng...

Một trong những người hầu như tại kỳ họp nào cũng phàn nàn báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ "nhiều màu hồng" là ĐB Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ông đặt vấn đề: "Chúng ta đánh giá tình hình năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 có màu hồng quá không? Đánh giá ở đây có thể xem như một cuộc khám bệnh. Nếu như kết quả cho rằng chúng ta khỏe trong khi thực sự không phải vậy thì tới khi bệnh bùng phát nguy hiểm sẽ rất khó khắc phục". Cũng không thực sự yên tâm với thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nói: "Báo cáo là nơi phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, nhưng nếu báo cáo sai, tô hồng sẽ khiến các chính sách đưa ra không kịp thời, bất hợp lý". 

Đi sâu hơn vào chi tiết báo cáo của Chính phủ, ĐB Nguyễn Đình Quyền nói: “Về mặt số lượng, có 3 trang nêu kết quả đạt được, trong khi chỉ có 1 trang nói về hạn chế. Ông thẳng thắn: "Như vậy, chưa thực sự nhìn vào cái không bình thường trong "cơ thể" chúng ta. Chưa nhìn vào những gì thực sự yếu kém. Cái mà chúng ta đạt được trong năm 2011 là an sinh xã hội nhưng trên nhiều lĩnh vực chủ yếu như giao thông, y tế, giáo dục, pháp luật, môi trường đều là những vấn đề bức xúc nhất của người dân. Tất cả vẫn đang là đề tài nóng bỏng được bàn luận hàng ngày. Nó không phản ánh được chất lượng, cái mà chúng ta nói đạt được vẫn là thứ người dân chưa bằng lòng... "phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói thêm, nguyên nhân được ghi trong báo cáo thường là quản lý Nhà nước với doanh nghiệp còn yếu kém... Đánh giá này luôn đúng, nhưng phải mổ xẻ sâu hơn năng lực và trách nhiệm bộ máy Nhà nước ở tất cả các cấp, kể cả hoạch định chính sách, nếu không làm rõ sẽ “đánh bùn sang ao”. 

Lần đầu tiên tham gia Quốc hội, lại không thuộc tuýp ĐB hay nói nhưng ngay đầu kỳ họp thứ 3, ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) - TGĐ Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - đã sớm lên tiếng: "Báo cáo của Chính phủ vẫn nhiều màu hồng. Từ hoạt động kinh doanh của mình, chúng tôi giật mình vì biết rằng sắp nguy tới nơi." Theo ĐB Nguyễn Minh Quang, khó khăn lớn nhất hiện nay là tiếp cận nguồn vốn và lãi suất ngân hàng: "Báo cáo chưa nêu ra sự kiểm soát tín dụng ngân hàng, kiểm soát bất động sản. Tôi đi vào các khu đô thị ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, thấy cung quá lớn, vượt cầu nhiều lần. Kiểm soát của Chính phủ trong lĩnh vực này chưa tốt". 

Chưa hài lòng với báo cáo của Chính phủ, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phân tích: "Chính phủ nêu khó khăn chưa thỏa đáng. Tôi cho là phải đánh giá đúng những nguyên nhân, vì sao lại diễn ra mức độ như thế. Nguyên nhân đầu tiên theo tôi là tình hình tôn trọng pháp luật không nghiêm trên các lĩnh vực, từ trên xuống dưới chứ không phải thiếu pháp luật." Quan tâm tới các vấn đề dân sinh, ĐB Trần Thị Quốc Khánh đánh giá: "Chúng ta chưa coi trọng giải quyết sớm những vấn đề bức xúc như thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng hay cháy nổ xe máy, ùn tắc giao thông... Các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ, ngành chưa làm hết trách nhiệm trong việc tham mưu cho Chính phủ để giải quyết những vấn đề bức xúc dân sinh. Tại sao phải đẩy đổ cổng trường để xin học cho con? Đây rõ ràng là ví dụ sống động về khủng hoảng nội dung giáo dục.

Cùng quan điểm, ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cũng cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa nêu bật và đánh giá sâu sắc thực trạng các vấn đề xã hội đang nảy sinh nên chưa thể khiến cử tri cả nước yên tâm. ĐB Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban GD-VH-TNTNNĐ của Quốc hội cũng lo lắng: "Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt được, trong đó có tốc độ tăng trưởng là điều đáng lo ngại. Dư luận đang rất lo ngại về khả năng giảm phát... Lâu nay, chúng ta chỉ quan tâm tới số lượng mà không quan tâm tới chất lượng. Đã đến lúc phải có một hệ thống chỉ tiêu, đảm bảo đánh giá đầy đủ cả lượng và chất." 

Thống nhất với nhiều ý kiến khác, ĐB Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận bức tranh kinh tế - xã hội “khá xấu”. Đọc các giải pháp Chính phủ đề ra, ông Trần Thanh Hải nói: "có mừng nhưng lo cũng không ít". ĐB tới từ TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh số doanh nghiệp dừng hoạt động và đóng cửa có xu hướng tăng cao, rất cần gói kích cầu trực tiếp dành cho người tiêu dùng. Cùng với đó, phải tiếp tục “thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động” cũng như "có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để tạo việc làm" và phát triển hơn nữa các hình thức bảo hiểm, nhất là bảo hiểm thất nghiệp.

Nền kinh tế bị ‘‘thiếu máu”

"Giải pháp thắt chặt tiền tệ, cắt giảm mạnh đầu tư công đã dùng thời gian qua hơi quá liều, gây ra tình trạng "sốc thuốc". Nền kinh tế "thiếu máu", sức mua giảm quá mạnh. Ngân hàng lại “thủ thế” quá kỹ, càng đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn. Hệ lụy trông thấy là số doanh nghiệp phá sản tăng cao, kéo theo là hàng trăm nghìn người thất nghiệp. Điều đó cho thấy các giải pháp hiện nay chưa căn cơ. Tình hình hiện nay, Chính phủ hoàn toàn có điều kiện để nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giải bài toán tăng trưởng nếu không sẽ khó đạt mục tiêu tăng GDP 6-6,5% vào cuối năm 2012."

Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh