Chưa thoát khỏi ám ảnh

ANTĐ - Vụ nghe lén vẫn tiếp tục ám ảnh nước Mỹ khi tờ “Tấm gương” của Đức cho biết Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã thu thập và lưu giữ dữ liệu của 122 nhà lãnh đạo trên thế giới trong danh sách các “mục tiêu cấp cao”.

Hoạt động do thám của NSA tiếp tục làm quan hệ Mỹ - Đức căng thẳng

Theo một tài liệu tuyệt mật của NSA, do cựu điệp viên Mỹ E. Snowden cung cấp cho tờ “Tấm gương”, thông tin về 122 nhà lãnh đạo trên thế giới được lưu trữ trong một ngân hàng dữ liệu đặc biệt dành riêng cho các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước. Liên quan đến Thủ tướng Đức, NSA đã lưu trữ trên 300 báo cáo về bà A. Merkel và tên của bà nằm theo thứ tự bảng chữ cái ở vị trí thứ 9 trong số 122 vị nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ. 

Các dữ liệu này được NSA thu thập từ hồi tháng 5-2009 và người đứng đầu trong danh sách là cựu Thủ tướng Malaysia A. Badawi,  tiếp đến là tổng thống một loạt nước như Peru, Somali, Guatemala, Colombia... và Belarus. Đứng cuối danh sách là bà Y. Tymoshenko, lúc đó là Thủ tướng Ukraine. Đây được coi là dữ liệu nguồn và được lưu trữ trong ngân hàng dữ liệu tình báo có tên “Marina”.

Tiết lộ của tờ “Tấm gương” khiến Berlin hết sức tức giận. Tháng 10 năm ngoái, cũng chính tờ “Tấm gương” lần đầu tiên đưa tin NSA không chỉ thu thập dữ liệu của hàng triệu người dân Đức mà từ lâu đã nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng A. Merkel. Ngoài ra, NSA còn theo dõi điện đàm của 35 quan chức Chính phủ Đức. Hệ quả là cả bà A. Merkel và Tổng thống Đức J. Gauck quyết định không tiếp phái đoàn nghị sĩ Mỹ đến thăm Đức ngay sau đó.

Trong liên minh xuyên Đại Tây Dương, quan hệ Mỹ - Đức luôn giữ vai trò trụ cột. Dù chiến tranh lạnh đã qua nhưng mối bang giao Washington – Berlin không vì thế mà nhạt đi. Chính vì thế mà thông tin về hoạt động do thám hàng loạt của Mỹ tại Đức, đặc biệt là đối với Thủ tướng Đức A. Merkel, đã khiến tâm lý của người Đức từ bất ngờ chuyển sang tức giận. 

Cuối năm ngoái, sau tuyên bố của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier rằng, hoạt động do thám giữa các đồng minh và bạn bè thân thiết là không thể chấp nhận được, Berlin đã buộc Washington phải ký một thỏa thuận “không do thám” lẫn nhau. Tuy nhiên, thỏa thuận trên mới dừng ở cam kết rằng các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ, trong đó có NSA, sẽ không tiến hành do thám các mục tiêu thương mại và công nghiệp của Đức. 

Không biết sau tiết lộ mới của cựu điệp viên CIA E. Snowden với tờ “Tấm gương” quan hệ Mỹ - Đức sẽ nổi sóng thế nào? Trước mắt, báo chí Đức cho rằng sự tồn tại của ngân hàng dữ liệu đặc biệt nêu trên của Mỹ có thể được coi là bằng chứng quan trọng khi Uỷ ban điều tra đặc biệt của Quốc hội Đức tiến hành điều tra về các hoạt động của NSA vào tháng tới trước khi có hành động trả đũa.