Chưa thỏa cơn khát

(ANTĐ) - Dù có được hàng loạt hợp đồng kinh tế lớn nhưng trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vẫn chưa ký được hợp đồng lớn nhất, hợp đồng cung cấp khí đốt trong vòng 3 thập kỷ tới.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào rời Nga sang Ukraine ngày 18-6 sau chuyến thăm 4 ngày mà không có được điều mà ông chờ đợi nhất. Đó là thoả thuận hợp tác về việc Nga cung cấp ổn định khí đốt cho Trung Quốc trong thời gian 30 năm tới mà ngỡ rằng hai bên đã cơ bản hoàn tất trước khi ông Hồ Cẩm Đào tới Matxcơva. Khỏi cần nói cũng thấy Chủ tịch Trung Quốc nóng lòng mong chờ ra sao thoả thuận hợp tác khí đốt với Nga. Hợp đồng này, nếu được ký sẽ giúp Trung Quốc phần nào giải cơn khát năng lượng ngày càng trầm trọng của nước này.
Chưa thỏa cơn khát ảnh 1
Tổng thống Medvedev và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã ký một loạt thỏa thận nhưng không có thỏa thuận quan trọng nhất về khí đốt
Để giải cơn khát năng lượng tăng chóng mặt cùng với sự phát triển kinh tế, Trung Quốc đang ráo riết tìm kiếm mọi nguồn năng lượng trên khắp thế giới. Bởi nếu không giải được cơn khát này, tăng trưởng kinh tế mà quan trọng nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc hàng đầu sẽ bị đe doạ nghiêm trọng. Chính vì thế, để chuẩn bị cho chuyến công du của Chủ tịch Hồ Cầm Đào sang Nga, Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã cùng với tập đoàn xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới Gazprom của Nga thương thảo về một hợp đồng cung cấp khí đốt khổng lồ. Hợp đồng này có giá trị tới 1.000 tỷ USD và được thực hiện trong thời gian 30 năm. Theo hợp đồng trên, Gazprom sẽ xây dựng một đường ống dẫn khí đốt xuyên Siberia từ giữa năm nay để từ năm 2015 có thể cung cấp cho Trung Quốc khoảng 70 tỷ m3 khí mỗi năm. Lượng khí đốt này bằng gần một nửa so với 150 tỷ m3 khí mà Nga xuất sang châu Âu mỗi năm. Những điều khoản cơ bản của hợp đồng cung cấp khí gần như đã được hoàn tất chỉ đợi ký kết trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Thế nhưng, dù nỗ lực tới phút chót trước khi ông Hồ Cẩm Đào rời Nga sang Ukraine song Gazprom và CNPC vẫn chưa thể ký kết hợp đồng được xem là quan trọng nhất của chuyến công du. Việc trì hoãn ký hợp đồng cung cấp dầu khí đã làm lu mờ gần chục hợp đồng kinh tế khác mà tổng giá trị của nó cũng lên tới hàng chục tỷ USD. Không những thế mà còn làm cho cam kết nâng trao đổi thương mại hai chiều Nga-Trung Quốc lên 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD năm 2020 cũng bớt phần hào hứng. Lý do chính khiến hai bên không thể đi tới ký kết là do bất đồng về giá cả. Trong khi phía Nga bán theo mức giá tại châu Âu thì Trung Quốc lại cho rằng mức giá này quá cao. Cho dù cả Tổng thống Dmitry Medvedev và Chủ tịch Hồ Cầm Đào cùng lên tiếng trấn an rằng trước sau gì thì hai nước cũng ký được hợp đồng “có lợi cho hai bên” song giới quan sát vẫn cho rằng đi tới thoả thuận cuối cùng là không dễ. Nga thừa biết Trung Quốc đang khát năng lượng thế nào và họ cũng không muốn phung phí tài nguyên hữu hạn của mình bằng cách bán rẻ cho Trung Quốc.