Chưa thể yên tâm với thịt, rau ở chợ

ANTĐ - Trong khi nông sản xuất khẩu luôn được đảm bảo chất lượng thì mối lo mất an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tiêu dùng trong nước chưa bao giờ vơi. Rau, quả và thịt gia súc, gia cầm liên tục bị phát hiện tồn dư kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng cho phép.

Chưa thể yên tâm với thịt, rau ở chợ ảnh 1Việc giết mổ không hợp quy khiến thịt trên thị trường chưa đáp ứng yêu cầu về ATTP
(Ảnh minh họa)

Gần 7% mẫu thịt không an toàn

Hiện nay, các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán đã tràn ngập thị trường, tỷ lệ thuận với các vụ kiểm tra, phát hiện hàng loạt lô thực phẩm không nguồn  gốc, chất lượng mập mờ khiến người tiêu dùng hoang mang.  Người tiêu dùng chưa thể yên tâm với các loại thực phẩm tươi sống, rau, củ quả và các loại nông sản khô như mứt, măng, miến… Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản thông tin, tỷ lệ mẫu nông sản, thủy sản giám sát không đạt VSATTP còn ở mức cao. Kết quả giám sát diện rộng cho thấy, tỷ lệ mẫu rau, thịt, thủy sản còn tồn dư vượt ngưỡng giới hạn cho phép tương ứng là 5,43%, 6,8%, 1,21%.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay, hiện trên địa bàn Hà Nội có 17.200 cơ sở kinh doanh nông sản, 3.500 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này do quận, huyện quản lý, trong đó, số cơ sở xếp loại C (không đảm bảo) chiếm đến 43%. Bên cạnh đó, khoảng 20 tỉnh, thành phố lân cận đang cung cấp thực phẩm cho Hà Nội, cộng thêm một lượng lớn thực phẩm nhập khẩu. “Hà Nội là thị trường có sức tiêu thụ lớn, vì vậy, việc kiểm soát chặt hàng hóa nhập khẩu, hàng nhập lậu rất quan trọng” – ông Nguyễn Huy Đăng nói. 

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết, mặc dù các địa phương đều báo cáo đã tuyên truyền, hướng dẫn người kinh doanh gia súc, gia cầm giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc giết mổ gia súc, gia cầm và bày bán chưa đáp ứng yêu cầu về ATTP. Các cửa hàng kinh doanh cũng làm theo kiểu đối phó, chưa thực chất. Do vậy, ông Nguyễn Như Tiệp đề nghị các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo pháp luật  các trường hợp giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc… Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm việc lưu thông, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thú y và sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt, phải chú trọng đến việc lạm dụng các chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trái phép, ngoài danh mục như urê để ướp tươi cá, hàn the đưa vào giò, chả…

Phải kiểm soát từ đồng ruộng

“Trong khi chúng ta xuất khẩu nhiều thực phẩm an toàn thì trong nước vẫn còn nhiều thực phẩm chưa đảm bảo ATTP. Do vậy, chúng ta phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để người dân Việt Nam được sử dụng thực phẩm an toàn như các nước khác” - ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói. Đối với sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, lãnh đạo Bộ NN&PTNT lưu ý, tồn dư nhiều nhất là kháng sinh, vi sinh… Vì vậy, cần giám sát chặt chẽ nơi giết mổ, các cơ sở buôn bán ở chợ để phát hiện những trường hợp đưa ra thị trường sản phẩm không đảm bảo. “Kết quả giám sát cho thấy, rau và thịt gia súc, gia cầm là 2 sản phẩm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh vượt mức cao nhất. Các địa phương cần cử cán bộ xuống tận đồng ruộng, trang trại chăn nuôi để hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y. Tăng cường tần suất lấy mẫu ở những nơi buôn bán, kinh doanh rau quả, thịt để đảm bảo ATTP trong dịp Tết cho người dân” - ông Cao Đức Phát yêu cầu.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho rằng, với sản phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật, phải đảm bảo an toàn cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Các địa phương phải chủ động hơn nữa trong kiểm tra, giám sát ATTP đối với rau, củ quả.  Cục BTVT cũng lập hàng rào kiểm tra sản phẩm nhập khẩu, mua thêm thiết bị, đào tạo nhân viên. Hiện nay, kỹ thuật kiểm tra ATTP trên sản phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới. Tuy vậy, ông Nguyễn Xuân Hồng đề nghị, ngành nông nghiệp cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương mới có kết quả như mong muốn.