Chưa thể trút gánh nặng

ANTĐ - Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và 5 tháng đầu năm nay, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng trước những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, một khó khăn đang tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân là vấn đề tăng giá xăng dầu. Cử tri không thể hài lòng khi giá mặt hàng thiết yếu này giảm nhỏ giọt nhưng tăng rất nhanh và cao. Một số đại biểu đề nghị Quốc hội nên có một cuộc giám sát làm rõ việc điều hành giá xăng dầu.

Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, việc tăng giá xăng dầu là phù hợp, đúng quy định. Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, việc tăng thuế môi trường không ảnh hưởng đến giá xăng, chỉ làm tăng 162 đồng, tương đương 0,8% trên giá xăng hiện nay là 20.430 đồng/lít. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội lại nhận định, việc tăng thuế môi trường đã tạo áp lực lớn khiến giá xăng tăng.

Rõ ràng, việc minh bạch nguồn thu thuế vào ngân sách thông qua giá xăng dầu cần được đặt ra. Một số chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề nên sử dụng thuế bảo vệ môi trường như thế nào? Trước tình hình ngân sách hiện nay, dư luận rất quan tâm việc sử dụng đúng mục đích tiền thuế đã thu được. Đại diện Bộ Tài chính đã khẳng định trước công luận rằng, các khoản thu được từ thuế bảo vệ môi trường sẽ được sử dụng theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Thế nhưng đến thời điểm này, nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời đáp: Chương trình bảo vệ môi trường ở địa phương nào đã được sử dụng  số tiền đó? Thực hiện như thế nào, hiệu quả ra sao? Trong khi đó, còn một vấn đề hiện vẫn đang “treo” lơ lửng trước dư luận. Đó là thị trường xăng dầu có tới 25 đầu mối kinh doanh, song sự cạnh tranh công khai, minh bạch theo đúng cơ chế thị trường tới nay vẫn chưa thực sự hình thành.

Thực tế trên thị trường, “ông lớn” Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex vẫn chiếm lĩnh gần 50% thị phần. Còn lại 24 doanh nghiệp đầu mối khác chủ yếu rải rác ở các tỉnh, thành phố với thị phần hết sức khiêm tốn, chẳng qua chỉ góp mặt cho “chợ” xăng dầu đông vui.

Các chuyên gia thị trường chỉ rõ, qua 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu, Quỹ bình ổn giá ở Petrolimex vẫn còn tới hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi ở một số doanh nghiệp khác đã cạn kiệt. Như vậy, gánh nặng giá xăng dầu cũng như nỗi lo giá các mặt hàng “té nước theo mưa” vẫn đè trên vai doanh nghiệp và người dân. Về lâu dài, giá xăng sẽ bám sát thị trường nhưng với điều kiện không còn doanh nghiệp độc quyền chiếm tới 50% thị phần.