Chưa thể "ngã giá" điện

ANTĐ - 3 phương án giá điện trong đề án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra để lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân thực ra chỉ có 2 phương án, bởi phương án 1 không có gì thay đổi. Phương án 3 tuy được nhiều ý kiến ngả theo song cũng chưa phải là tối ưu. Lý do bởi hộ sử dụng điện, người tiêu dùng càng dùng nhiều điện năng thì càng được hưởng lợi. Hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, hàng triệu hộ dân thu nhập thấp chưa thấy mình ở trong phương án đó. Bởi vậy, có chuyên gia đã đề xuất phương án thứ tư về giá điện.

Hồi đầu tháng 9 này, tại một cuộc họp, cả 3 tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đồng thanh kêu lỗ do tỷ giá biến động và Bộ Công Thương đã phát đi tín hiệu xem xét phân bổ khoản lỗ này vào giá bán điện. Chưa có chuyên gia nào nghiên cứu và kết luận khoản lỗ đó có nằm trong 3 phương án của EVN vừa đưa ra hay không. Nếu đưa vào thì đương nhiên chi phí đầu vào của tất cả doanh nghiệp có sử dụng điện sẽ tăng. Họ sẽ gánh cả rủi ro tỷ giá và gánh nặng gián tiếp do giá điện tăng theo. 

Biến động tỷ giá “đè” lên mọi doanh nghiệp chứ không riêng gì 3 “ông lớn” Nhà nước nắm trong tay nguồn điện năng của nền kinh tế. Một số chuyên gia kinh tế chỉ ra thực trạng nhập nhằng “hai vai”: kinh doanh và điều tiết thị trường, các doanh nghiệp độc quyền được Nhà nước và bộ chủ quản đỡ đầu, thường “tấu” lên điệp khúc “tăng như đấm, giảm như xoa”.

Trong khi nhiều doanh nghiệp phải gồng mình gánh rủi ro bằng cách lấy lợi nhuận bù đắp khi tỷ giá lên, trích lập quỹ dự phòng, thì các doanh nghiệp độc quyền chỉ cần thuyết phục các cơ quan chủ quản “gật đầu” là sẽ có cách giải quyết khó khăn. Do thiếu vắng các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình vềgiá thành sản phẩm, thực tế các doanh nghiệp này rất khó thuyết phục người tiêu dùng mỗi lần muốn điều chỉnh giá điện. 

Trên con đường tiến đến đích kinh tế thị trường, dù thị trường điện nước ta chưa đạt được sự cạnh tranh thực sự, song với các phương án biểu giá điện, EVN cần cầu thị, tiếp thu nghiêm túc và tôn trọng ý kiến đóng góp của giới chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Sự nhập nhằng, phi thị trường không thể bám dai dẳng mãi khi Việt Nam bước lên “con tàu” hội nhập. Chấp nhận kinh tế thị trường tức là người tiêu dùng có quyền mặc cả, “thuận mua, vừa bán”, không có chuyện chỉ được chấp nhận giá của người bán đưa ra.