Chưa thể bỏ Giấy khai sinh, đăng ký kết hôn

ANTĐ - Chiều 4-6, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật hộ tịch. Cùng ngày, Quốc hội đã nghe Tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đối với một số việc hộ tịch quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân như khai sinh, kết hôn, dự thảo Luật quy định sau khi đăng ký người dân vẫn được cấp bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn. “Giấy khai sinh với đầy đủ các thông tin về nhân thân còn có ý nghĩa như một giấy tờ tùy thân” – Bộ trưởng nói.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ là cần duy trì việc cấp Giấy khai sinh để làm cơ sở cho các hoạt động quản lý của Nhà nước đối với công dân và để công dân thực hiện các quyền cơ bản như học tập, khám chữa bệnh, cư trú, đi lại. Dù vậy, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc lại việc cấp Giấy khai sinh để tránh làm phát sinh thêm giấy tờ đối với người dân.

Bộ Tư pháp: Giấy khai sinh có ý nghĩa như một giấy tờ tùy thân

“Bỏ thời hạn đăng ký quốc tịch Việt Nam” - Đó là nội dung quan trọng tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam trình Quốc hội, chiều 4-6. Cụ thể, điều 13 Luật Quốc tịch 2008 được sửa đổi thành: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 1-7-2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”.

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hiện có 3 luồng ý kiến xung quanh vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với đề nghị của Chính phủ. Loại ý kiến thứ hai đề nghị vẫn giữ quy định về đăng ký quốc tịch nhưng gia hạn thời gian đăng ký thêm 5 năm. Loại ý kiến thứ ba đề nghị bỏ quy định về việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, tính đến ngày 31-12-2013, mới có trên 6.000 người làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch.

Cũng trong ngày 4-6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN). Phần lớn ĐBQH đồng ý quy định về Nhà chức trách hàng không trong Luật. ĐB Đỗ Bá Tỵ (Điện Biên) kiến nghị, Luật cần làm rõ mối quan hệ giữa Nhà chức trách hàng không với Cục hàng không Việt Nam; quy định rõ vai trò của Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không.

Bên cạnh đó, nhiều ĐB cho rằng, dự thảo mới chú trọng việc tăng cường quản lý Nhà nước, chưa chú trọng đến chất lượng phục vụ khách hàng. Do đó, cần bổ sung quy định cụ thể về chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh – an toàn cho hành khách, trách nhiệm của doanh nghiệp, xử lý vi phạm hợp đồng vận chuyển khi để xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến không vì lý do bất khả kháng nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Để tránh mang nặng tính bao cấp, độc quyền và không xảy ra sự chồng chéo trong trách nhiệm phân công giữa các bộ ngành, một số đại biểu đề nghị nên bổ sung các quy định trong các văn bản dưới Luật vào dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính khả thi, minh bạch.