Chưa thật cùng đường, cặp vợ chồng vẫn "bỏ rơi" con nhỏ để thoát thân

ANTĐ - Mở công ty làm ăn, Hạnh cùng chồng lâm vào cảnh “nợ đầm nợ đìa” và mất khả năng thanh toán. Hay tin các bị hại “đâm đơn” tố cáo, đôi vợ chồng này nhanh chóng chọn giải pháp bỏ lại đứa con nhỏ mới sinh để thoát thân.

Sau gần 4 năm trốn biệt tăm tích tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, Mai Thị Mỹ Hạnh (SN 1977) và anh chồng tên Phạm Văn Thùy (SN 1972, cùng trú ở phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) cuối cùng cũng đã bị đưa ra tòa án xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Bị hại bị vợ chồng Hạnh chiếm đoạt tiền là nhiều cá nhân vốn có quan hệ khá thân thiết với các bị cáo. Ngoài ra, các bị hại còn có một điểm chung giống nhau là khá dư giả về tiền bạc, đồng thời cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

"Bỏ rơi" con nhỏ  để thoát thân nhưng vợ chồng Hạnh vẫn không thoát 

Theo đó, cáo trạng truy tố cặp vợ chồng chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng thể hiện, năm 2008, Hạnh thành lập doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng và vận tải hàng hóa. Sau một thời gian ngắn làm ăn không thuận lợi, Hạnh bàn với chồng chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản và “buôn tiền” với dịch vụ chuyên cho vay đáo hạn ngân hàng.

Thế nhưng ngặt nỗi là khi ấy vợ chồng Hạnh không hề có vốn. Quyết “tay không bắt giặc”, Hạnh thăm dò, rồi  đặt vấn đề vay vốn của những người thân quen với cam kết sẽ trả lãi từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/triệu/ngày. Và rồi ý tưởng táo bạo ấy của Hạnh đã nhận được sự ủng hộ từ những người xung quanh.

Thực hiện việc huy động vốn cho hướng làm ăn mới, đầu năm 2011, Hạnh hỏi vay và được anh Vũ Văn T (SN 1967, ở cùng phường Thạch Bàn) liên tục “bơm tiền” để kinh doanh. Trong những ngày đầu hợp tác, anh T cũng thường xuyên nhận được tiền lãi hàng tháng từ Hạnh.

Thấy việc làm ăn hiệu quả , giữa năm 2011, anh T quyết định “bơm” thêm 500 triệu đồng nữa cho Hạnh. Nhưng chỉ ngay trong lần trả lãi kế tiếp, chủ nợ của nữ đầu nậu “tín dụng đen” lại bị chậm trả 10 triệu đồng. Linh tính mách bảo, anh T lập tức yêu cầu Hạnh làm giấy “chốt” nợ với tổng số tiền là 920 triệu đồng.

Ngày 7-12-2011, thời điểm tất toán, anh T tìm đến nhà Hạnh thì hay tin “con nợ” của mình đã “cao chạy xa bay”. Nhận thấy đã “thả gà ra đuổi”, anh T đành phải gửi đơn tới cơ quan công an hòng sớm thu hồi lại tiền vốn bỏ ra.

Tương tự anh T, chị Bùi Thị Th (SN 1972, ở phường Phúc Đồng, cùng quận Long Biên) cũng bị Hạnh “mê hoặc” bằng khoản tiền lãi phát sinh là 2.000 đồng/triệu/ngày. Chẳng thế mà ngay từ năm 2009, chị Th đã liên tục “rót vốn” cho vợ chồng người bạn.

Thời điểm đầu cho vay tiền, do vợ chồng Hạnh còn xoay xỏa được nên tiền lãi hàng tháng mà chị Th nhận về vẫn rất đều đặn và không thiếu một xu. Ngỡ tưởng mọi chuyện sẽ tiếp tục ngon lành nên từ tháng 8 đến tháng 11-2011, nữ chủ nợ của Hạnh lại thêm 7 lần “giải ngân” với tổng số tiền lên đến 5,7 tỷ đồng.

Trong những lần hai bên cho nhau vay mượn tiền, Phạm Văn Thùy 3 lần ký giấy vay nợ của chị Th, tương ứng với 800 triệu đồng. Ngoài biến 2 người thân quen nêu trên thành bị hại trong vụ án, cũng với cách thức vay tiền làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng và đầu tư bất động sản, Hạnh còn chiếm đoạt của 3 người khác với tổng số tiền gần 8,4 tỷ đồng.

Tổng cộng, từ 2009 đến cuối năm 2011, Mai Thị Mỹ Hạnh cùng chồng đã lợi dụng sự tin tưởng của 5 người để chiếm đoạt hơn 15,2 tỷ đồng. Và tính đến thời điểm hiện tại, hàng chục tỷ đồng vay mượn ấy vẫn chưa được vợ chồng bị cáo khắc phục.

Sau khi bị bắt giữ theo lệnh truy nã vào cuối năm 2015, Hạnh thú nhận, ngày cùng chồng trốn khỏi nơi cư trú, đối tượng đang mang trong bụng đứa con thứ ba và sắp đến kỳ sinh nở. Khi ấy, vợ chồng Hạnh đã đưa nhau về quê nội ở Hải Dương lánh tạm.

Thế rồi sau ít ngày “mẹ tròn con vuông”, vợ chồng Hạnh nhanh chóng để lại đứa con nhỏ cho ông bà nội nuôi dưỡng để trốn chạy vào một địa phương ở phía Nam. Tuy nhiên, điều mà vợ chồng Hạnh luôn nơm nớp lo sợ cuối cùng cũng đã ập đến.

Với số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, ngày 2-8, TAND TP Hà Nội đã đưa vợ chồng Hạnh ra xét xử, theo khoản 4, Điều 140-BLHS. Thế nhưng do 1 trong 5 người bị hại không đến dự tòa nên HĐXX sơ thẩm đã buộc phải quyết định tạm hoãn việc giải quyết vụ án.