Chưa phát hiện chủng virus cúm mới xâm nhập Việt Nam

ANTD.VN - Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, thời điểm đông xuân hiện nay đang là mùa dịch cúm phát triển mạnh, điều đáng lo ngại hơn là virus cúm thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng virus có độc lực cao, lây truyền rộng rãi.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, thời điểm đông xuân hiện nay đang là mùa dịch cúm phát triển mạnh, điều đáng lo ngại hơn là virus cúm thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng virus có độc lực cao, lây truyền rộng rãi..
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, thời điểm đông xuân hiện nay đang là mùa dịch cúm phát triển mạnh, điều đáng lo ngại hơn là virus cúm thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng virus có độc lực cao, lây truyền rộng rãi..

Việt Nam vẫn chưa ghi nhận chủng virus cúm mới hay chủng virus cúm lạ

Theo Bộ Y tế, trên thế giới, một số phân type cúm A đã gây nên các đại dịch cúm như H2N2, H3N8, H3N2, H1N1...  Đặc biệt trong một vài năm trở lại đây thế giới đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như: H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, đặc tính biến đổi thường xuyên của các chủng virus cúm là rất đáng quan tâm, các gen của virus cúm có thể tái tổ hợp để tạo thành các chủng virus cúm đe dọa cho sức khỏe con người.

Việt Nam nằm trong điểm nóng của khu vực Đông Nam Á, nơi có nhiều giao lưu, đi lại, thương mại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, vì vậy có nhiều nguy cơ lây lan các chủng virus cúm từ các nơi khác vào nội địa. Nhất là tại nước láng giềng với nước ta là Trung Quốc gần đây đã ghi nhận nhiều trường hợp cúm A(H7N9) với 5 đỉnh dịch xảy ra vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Tuy vậy, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khẳng định, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trên cả nước hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp cúm A(H7N9) kể cả trên người và trên gia cầm. Nước ta cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N6) ở người, cũng như chưa ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N8), cúm A(H5N2) trên cả gia cầm và người.

Tương tự, qua công tác xét nghiệm các chủng cúm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, đến nay đều chưa phát hiện thấy chủng virus cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người tại Việt Nam, đồng thời chưa phát hiện các chủng virus mới (lạ) nào tại Việt Nam.

Song, để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, các chủng virus cúm lây truyền từ gia cầm sang người trong dịp Tết, lễ hội và mùa Xuân tới đây, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che mũi, miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng. 

2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

3. Tiêm vaccine phòng bệnh cúm.

4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh. 

5. Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người.

6. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm, thực hiện ăn chín, uống chín.

7. Khi có biểu hiện của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời và cách ly.