Chưa phát hiện “chạy công chức 100 triệu”

ANTĐ - TP Hà Nội chưa phát hiện trường hợp nào chạy công chức, viên chức mất hàng trăm triệu đồng. Vụ việc duy nhất tìm thấy thực ra là một vụ lừa đảo. Tuy vậy, cơ quan thanh tra cũng phát hiện nhiều vi phạm cũng như các kẽ hở trong tuyển dụng dễ gây tiêu cực.

Thi công chức cần minh bạch để không xảy ra tiêu cực. (Ảnh minh họa)

Có vi phạm, kẽ hở

Tại Kỳ họp thứ 6, HĐND TP khóa XIV diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực đã đưa ra thông tin “phòng nội vụ các quận, huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ và nhận tiền “chạy” của các thí sinh để đỗ công chức không dưới 100 triệu đồng...”. Thông tin này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu TP Hà Nội “thanh tra, kiểm tra, để chấn chỉnh một hiện tượng mà công luận đang hết sức quan tâm”. Sau đó, Bộ Nội vụ và UBND TP Hà Nội cũng đã có chỉ đạo làm rõ thông tin dư luận nêu. 

Để thực hiện nhiệm vụ này, Sở Nội vụ thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác tuyển dụng, do 3 Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn, có đại diện Bộ Nội vụ tham gia làm thành viên. Ngày 26-12-2012, các đoàn đã tiến hành kiểm tra tại quận Hà Đông và 2 huyện Thanh Trì, Ứng Hòa. Đoàn kiểm tra tại UBND quận Hà Đông cho biết, các thí sinh đều được tạo điều kiện thuận lợi theo quy định và không thấy có hiện tượng tiêu cực. Đoàn kiểm tra tại UBND huyện Thanh Trì đã phát hiện một trường hợp sai sót trong tổng hợp điểm xét tuyển của thí sinh dự thi khối mầm non. 

Đoàn kiểm tra tại huyện Ứng Hòa ghi nhận việc chủ động tổ chức kiểm tra và xử lý kịp thời các cán bộ vi phạm trong quá trình tuyển dụng của huyện này. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa, ông Nguyễn Quyết Chiến, vụ việc tại huyện này đã được phát hiện trước thời điểm ông Trần Trọng Dực có ý kiến. Cụ thể, từ 3-10-2012, huyện đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra, làm rõ. Sự việc xuất phát từ việc Huyện ủy được người dân cung cấp bằng chứng là một cuốn sổ ghi chép của Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông Lỗ (tổ trưởng một cặp chấm thi), trong đó “đánh dấu” họ, tên, số báo danh của 16 thí sinh và ghi rõ danh tính của 12 người “nhờ” giúp đỡ. Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện thành lập Đoàn kiểm tra, tổ chức làm việc với hội đồng tuyển dụng. Kết quả, một số thành viên của các cặp chấm đã thừa nhận, trong quá trình chấm thi đã nâng điểm cho 15/16 trường hợp (7 trường hợp trúng tuyển, 9 trường hợp trượt). 

Chưa phát hiện đưa - nhận tiền

Theo thông tin từ Sở Nội vụ Hà Nội, trên cơ sở báo cáo kết quả tự kiểm tra của các quận, huyện, thị xã và kết quả kiểm tra do đoàn kiểm tra của Sở Nội vụ tiến hành tại 3 quận, huyện cho thấy, tính đến 4-1-2013, chưa phát hiện trường hợp nào đưa tiền và nhận tiền để “chạy” vào công chức, viên chức, kể cả các trường hợp sai phạm của huyện Ứng Hòa. Lãnh đạo UBND huyện Ứng Hòa cho biết, các trường hợp bị phát hiện nhờ vả để được nâng điểm đều là mối quan hệ quen biết, người này nhờ người kia.  Tình trạng chung là người này nhờ người kia, rồi lại nhờ giám thị theo kiểu “đây là người nhà tôi, anh cố gắng cho đỗ” rồi từ đó giám thị nâng điểm lên. Do đó, huyện chưa phát hiện tổ chức, cá nhân nào có hành vi nhận tiền và lợi ích vật chất khác từ các thí sinh, người nhà thí sinh trong quá trình “giúp đỡ” tác động nâng điểm. Để tránh bỏ lọt “con sâu làm rầu nồi canh”, Huyện ủy Ứng Hòa còn đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, kết quả điều tra, xác minh của CAH Ứng Hòa cũng “chưa phát hiện trường hợp nào đưa tiền hoặc nhận tiền để nâng điểm thi”.

Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ Hà Nội, trong quá trình kiểm tra và tự kiểm tra, đã phát hiện khâu dễ xảy ra tiêu cực là khi thi vấn đáp. Có cán bộ còn thiếu ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương và đạo đức nghề nghiệp, nể nang trong thực thi công vụ như tại huyện Ứng Hòa. Ngoài ra, vẫn còn nhiều trường hợp thí sinh dùng bằng THPT giả để đi học chuyên nghiệp hoặc dùng bằng chuyên nghiệp giả để tham gia tuyển dụng như tại Mỹ Đức, Thanh Oai, Sơn Tây... Trường hợp duy nhất dính dáng tới “chạy”công chức bằng tiền đã bị phát hiện tới nay lại là một vụ lừa đảo. Đó là trường hợp Nguyễn Thị Thu Hằng, ở xã Dương Hà, huyện Gia Lâm mạo danh cán bộ của ngành nội vụ Hà Nội lừa đảo hứa “chạy” vào làm giáo viên tại các trường phổ thông ở Hà Nội và chiếm đoạt 280 triệu đồng của 3 thí sinh. Hiện nay, CATP Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý.

Liên quan tới xử lý các cán bộ có vi phạm, lãnh đạo Sở Nội vụ cam kết sẽ thực hiện nghiêm minh theo quy định của pháp luật, theo phân cấp thẩm quyền quản lý cán bộ và việc xử lý cán bộ đều có Hội đồng kỷ luật. Tại huyện Ứng Hòa, địa chỉ có sai phạm rõ nét nhất cho tới thời điểm này, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Xuyên cho biết, tất cả 12 cá nhân có sai phạm đều đã được xem xét xử lý về Đảng và chính quyền. Trong đó, Huyện ủy đã xử lý cảnh cáo về Đảng đối với Trưởng phòng GD-ĐT Đỗ Ngọc Anh, giáng chức và điều chuyển công tác, đề xuất làm thủ tục cho thôi Huyện ủy viên; xử lý cảnh cáo về Đảng đối với Trưởng phòng Nội vụ Nguyễn Đức Bình, hàng loạt phó trưởng phòng, hiệu trưởng cũng bị kỷ luật, khiển trách...