Chưa nhìn thấy động lực tăng, liệu vàng đã hết thời?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá vàng đã giảm gần 200 USD/ounce trong quý I/2021 - mức giảm hàng quý tồi tệ nhất trong vòng gần 5 năm trở lại đây – nhưng giá kim loại quý này vẫn chưa nhìn thấy động lực tăng rõ ràng.

Tuần trước, giá vàng đã có 2 phiên cuối tuần khởi sắc, tuy nhiên bước sang tuần giao dịch mới kim loại quý này lại quay đầu giảm giá. Tính đến 10h30, giá vàng thế giới tại thị trường châu Á đã giảm gần 6 USD mỗi ounce, đang giao dịch quanh 1.724.5 USD/ounce.

Cùng nhịp giảm, vàng SJC trong nước niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng giảm 220 nghìn đồng/lượng chiều mua vào, giảm 320 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, xuống 54,70 – 55,10 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 54,70 – 55,12 triệu đồng/lượng (Hà Nội).

Giá vàng không thể giữ được đà tăng, liên tục chịu áp lực điều chỉnh đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: liệu vàng đã hết thời?

Giá vàng đang đứng trước nhiều áp lực giảm

Giá vàng đang đứng trước nhiều áp lực giảm

Trước đó, 2020 là một năm thăng hoa của giá vàng khi nó đã tăng tới 24% trong cả năm trên thị trường thế giới. Thậm chí, có thời điểm cao nhất vào tháng 8/2020, vàng đã vọt lên mức cao nhất trong lịch sử, đạt trên 2.000 USD/ounce.

Tuy nhiên, các chất xúc tác từng hỗ trợ giá vàng năm 2020 (căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tình hình bất ổn do đại dịch Covid-19, đồng USD hạ giá…) đến nay gần như đã không còn phát huy tác dụng.

Thay vào đó, quý kim này còn chịu thêm nhiều áp lực khác như: triển vọng đẩy lùi Covid-19 nhờ vaccine, kinh tế thế giới bắt đầu giai đoạn hồi phục, đồng USD phục hồi, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng… Những áp lực này đã đẩy vàng vào vùng giảm sâu trong quý đầu năm nay.

Dù vậy, giới chuyên gia vẫn bi quan rằng, trong thời gian ngắn sắp tới, không có chất xúc tác rõ ràng nào cho kim loại quý. Giá vàng chưa thể thoát khỏi ảnh hưởng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm, trong khi đồng đô la Mỹ cũng không có dấu hiệu giảm giá mà còn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi kinh tế Mỹ phục hồi tốt nhờ vaccine và hiệu ứng từ các gói kích thích của Chính phủ.

Ngoài ra, không nên đánh giá thấp sự ảnh hưởng của Bitcoin thị trường chứng khoán. Lợi nhuận từ 2 kênh này đang có xu hướng gia tăng, kéo dòng tiền ra khỏi vàng.

Yếu tố hỗ trợ gần như duy nhất với vàng hiện nay là kỳ vọng về lạm phát tăng khi tiền liên tục được tung ra để giải cứu các nền kinh tế. Nhưng sự hỗ trợ này rõ ràng phải tính trong dài hạn, mà trong bối cảnh thị trường tài chính biến động khôn lường như hiện nay thì rất khó để nhìn về triển vọng quá xa.