Chưa nên quá lo lắng về thiểu phát

ANTĐ - Ngày 25-5, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có cuộc trao đổi nhanh với báo giới bên hành lang Quốc hội.

- PV: Có 2 yếu tố dẫn đến khả năng nền kinh tế sẽ thiểu phát, đó là CPI giảm tháng thứ 3 liên tiếp và thị trường tiền tệ rất trì trệ. Theo Phó Thủ tướng, tình hình chung hiện đang ở mức nào? 

- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Đánh giá nền kinh tế thiểu phát thì phải có tiêu chí cụ thể, nói chung chung sẽ không chính xác. Phải xem xét CPI giảm do đâu, theo tôi, chủ yếu là do giá lương thực, thực phẩm. Giá lương thực, thực phẩm giảm thì ảnh hưởng tới người dân. Chính phủ cũng không muốn vấn đề đó xảy ra và đã có chính sách hỗ trợ, nhưng phải thận trọng xem xu hướng của nền kinh tế. Hiện nay, các chỉ số về công nghiệp có khá lên. Chỉ số về tăng trưởng tín dụng tuy chậm, nhưng so với năm ngoái tốc độ đã khá hơn. Chúng ta không nên quá lo lắng về vấn đề nền kinh tế thiểu phát. Tuy nhiên, thực chất nền kinh tế còn rất khó khăn. Không ai phủ nhận cả. Vì thế, Chính phủ đang tính toán để bàn bạc, xem xét việc tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết 02. Hiện nay, cũng có ý kiến cho rằng việc thực hiện còn chậm, đề nghị phải làm nhanh hơn. Phải huy động thêm nguồn lực hỗ trợ cho nền kinh tế, tạo điều kiện nâng tổng cầu về kinh tế. Cần phải xem xét nghiêm túc vấn đề này.

- Vậy theo Phó Thủ tướng có nên nới lỏng chính sách tài khóa cho nền kinh tế?

- Chính sách tín dụng hiện nay không quá chặt chẽ và phải xem xét để điều hành linh hoạt. Nợ công đang trong giới hạn an toàn, nên cần xem xét có thể huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu dùng từ nới lỏng, có người sẽ nghĩ theo chiều hướng khác. 

- Về gói giảm thuế cho doanh nghiệp áp dụng từ 1-7, liệu có chuẩn bị kịp không thưa Phó Thủ tướng?

- Việc này có ý tưởng từ cuối năm 2012 và thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nên phải báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có Nghị quyết riêng. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nếu Luật thông qua là thực hiện ngay, vì thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo quý và quyết toán theo năm. Bên cạnh đó, phải phối hợp rất đồng bộ nhiều vấn đề. Vừa rồi, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo giải quyết tình trạng tồn kho, xử lý thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu. Với các dự án mới, nếu có hiệu quả ngân hàng sẽ cho vay. Khi đó, mọi vấn đề sẽ cân đối, hài hòa hơn.