Clip “Khi áo trắng học trò chìm trong khói shisha”nghi bị dàn dựng:

Chưa làm sáng tỏ, còn gây mệt mỏi cho các bên

ANTĐ - Chiều 3-4, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông cho biết, tâm lý các em học sinh xuất hiện trong phóng sự “Khi áo trắng học trò chìm trong khói shisha” do phóng viên VTC14 thực hiện vẫn chưa ổn định, thể hiện ở việc các em vẫn đi học thất thường. 

Chưa làm sáng tỏ, còn gây mệt mỏi cho các bên ảnh 1Hình ảnh được cắt từ clip phát trên VTC14

“Sau khi được nhà trường, gia đình thuyết phục, nữ sinh T. đã đi học trở lại sau khi bỏ học 2 ngày. Tuy nhiên, ngày 3-4, nam sinh có mặt trong phóng sự lại nghỉ học không rõ lý do” - bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết. Nói về tâm trạng hiện nay, bà Nguyệt chia sẻ, các thầy cô, Ban Giám hiệu nhà trường đều khá mệt mỏi về sự việc này. “Hàng ngày phụ huynh học sinh đều tới kiến nghị nhà trường sớm làm việc rõ ràng với Ban biên tập VTC14 để minh oan cho con em mình. Chúng tôi đang chờ ý kiến của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội”.

Tối 3-4, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND thành phố, Bộ GD-ĐT. Trước mắt, Sở đã yêu cầu các trường khẩn trương làm việc ngay với lãnh đạo kênh truyền hình VTC14 để làm rõ nội dung đã phát sóng có phải dàn dựng hay không, từ đó có biện pháp xử lý. Nếu sự việc xảy ra đúng như bản tường trình của các em học sinh thì đây là sai sót đáng tiếc của biên tập viên VTC14, khi có mục đích đúng là cảnh báo nguy hại của tình trạng hút shisha trong giới trẻ nhưng lại gây hiểu lầm, ảnh hưởng tới tâm lý, danh dự của học sinh, nhà trường. Ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết, ngay khi có kết luận làm việc giữa các bên, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ chính thức có ý kiến về sự việc này.

Về phía Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, trao đổi với phóng viên ANTĐ chiều 3-4, ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Trưởng ban Biên tập VTC14 - Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cho biết, cơ quan này tạm thời chưa có bình luận gì trước khi sự việc có hướng giải quyết cụ thể. Về ý kiến cá nhân trước sự việc này, ông Hoàng Trọng Hiếu cho biết, đây là một chương trình có mục đích cảnh báo về hiện tượng sử dụng shisha trong giới trẻ, nhất là học sinh và hiểm họa của nó, với sự tham gia tự nguyện của người thật việc thật. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khâu xử lý kỹ thuật hậu kỳ, những người thực hiện đã không áp dụng thủ thuật làm mờ hình ảnh của nhân vật tham gia ghi hình, để các em còn là học sinh xuất hiện trong một bối cảnh nhạy cảm. Ông Hiếu cho rằng, đây là bài học nghiệp vụ sâu sắc của cả phóng viên và êkip thực hiện, phê duyệt chương trình.

Trước yêu cầu của nhà trường và gia đình các học sinh có mặt trong phóng sự muốn có được thông tin trao đổi rõ ràng hơn từ Ban biên tập VTC14 nhằm giải quyết về mặt tâm lý cho học sinh, danh dự gia đình và uy tín nhà trường, ông Hoàng Trọng Hiếu cho biết, cơ quan này sẽ phối hợp để tìm biện pháp tốt nhất nhằm làm giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực tới học sinh. “Điều này theo tôi là quan trọng hơn cả chứ không phải việc tranh cãi ai đúng, ai sai thời điểm này” – ông Hiếu trả lời.

Không cấm ngay, hậu quả lâu dài sẽ khó lường

Trao đổi với Báo ANTĐ, PGS.TS, thầy thuốc nhân dân Đinh Ngọc Sỹ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trên thực tế shisha đã du nhập vào Việt Nam từ hàng chục năm nay và ngày càng được sử dụng rộng rãi, phổ biến. Tác hại của shisha cũng giống như tác hại của thuốc lá nhưng nó còn nguy hiểm hơn ở chỗ tạo ra cảm giác sảng khoái, có thể gây nghiện nhẹ, chỉ thua mỗi ma túy.

PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ phân tích, bất cứ một chất đốt dạng khói nào mà xâm nhập vào cơ thể theo đường hút đều gây độc hại cho cơ thể, từ răng miệng đến hệ hô hấp, phổi, nếu chứa thêm các tạp chất độc hại còn gây nguy cơ ung thư và nhiều bệnh mãn tính khác. Tác hại của shisha là như vậy, song ở nước ta trước nay chưa có một quy định hay đơn giản là một cảnh báo chính thống nào từ các cơ quan chức năng về chất độc hại này, có thể vì chúng ta chưa thực sự quan tâm đúng mức.

“Theo tôi, cần thiết phải có những chương trình truyền thông, thông tin mạnh về tác hại của shisha cũng giống như chiến dịch truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá. Có vậy mới giúp cho giới trẻ hiểu rõ về tác hại của shisha để tự bảo vệ sức khỏe của mình. Tôi cũng ủng hộ việc phải luật hóa hoặc có các quy định pháp lý, đưa shisha vào mặt hàng cấm, hạn chế sử dụng, bởi nếu cứ mặc cho sử dụng tràn lan, thoải mái chất này như hiện nay thì có thể 5-10 năm tới hậu quả của nó sẽ rất khó lường”, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ chia sẻ.