Chừa lại khoảng trống nhân văn

ANTĐ - Ngày trước, Hà Nội nhỏ nhắn, xinh xắn và khép nép như có thể ôm trọn vào lòng. Nay Thủ đô mở rộng, sáp nhập. Đất thêm rộng, người thêm đông, không gian thoáng đãng. Tầm nhìn rộng mở có thể vượt cả không gian và thời gian thế kỷ để phác thảo một viễn cảnh Hà Nội to đẹp hơn, đàng hoàng hơn bây giờ.
Nhưng nay mai, diện mạo và bản sắc của một Thủ đô nghìn năm tuổi sẽ ra sao nếu không được quy hoạch, kiến trúc và xây dựng trên những lớp trầm tích lịch sử và văn hóa. Một dòng sông ngừng chảy sẽ thành dòng nước tù đọng, sông chết. Một đô thị, một thành phố không mở mang, phát triển sẽ “còi cọc”, đến độ suy dinh dưỡng, thiếu sinh khí và sức sống. 
Thông thường, khi nói đến bản sắc đô thị, người ta cứ hay bàn đến những chuyện to tát quá. Bản sắc đâu chỉ là 36 phố phường, phố cũ kiến trúc Pháp, những mái chùa thâm nghiêm, những ngôi chợ cũ hay những mặt hồ gợn sóng bên công viên cây xanh. Rồi những ngõ nhỏ, phố nhỏ mái ngói rêu phong. 

Đừng để bản sắc nhạt phai

Bản sắc nằm sâu bên trong những giá trị phi vật thể, trong mỗi con người, trong nếp nghĩ và nếp sống thường ngày. Ngay cả người Hà Nội, chợt một sáng, quá bộ ra ngoại ô, cũng sững sờ, ngơ ngác. Bộ mặt thành phố thay đổi nhanh quá, đến mức chóng mặt, mỗi ngày mỗi khác. Không thể nhận ra nổi. Đường rộng mở, đô thị mới nhà cao tầng chen vai thích cánh mọc lên. Diện mạo của đô thị đang bị “đồng hóa” bởi kiến trúc quốc tế. 
Muốn hình dung bộ mặt đô thị trong tương lai, hãy nhìn vào những thứ đang hiển hiện trước mắt. Phát triển nóng không chỉ làm hỏng cảnh quan Hà Nội, phá vỡ không gian kiến trúc có giá trị lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, mà còn dễ dẫn đến sự thay đổi cơ cấu xã hội, nguy cơ môi trường, cảnh quan lịch sử, văn hóa và nếp sống sẽ biến mất. Bản sắc của Đà Lạt sẽ là gì, nếu bê tông hóa, phá bỏ rừng thông, không còn thành phố sương mù, và hàng trăm ngôi biệt thự kiểu Pháp? Bản sắc Nha Trang là gì, nếu không còn gió biển, sóng biển trong lành ru êm bờ cát trắng? Và một cố đô Huế vắng bóng những nhà vườn ẩn mình bên dòng Hương giang dìu dặt nhịp chèo, câu hát. Có ai phải đi tìm bản sắc Hà Nội? Người Hà Nội đang sống ở đâu, sống ra sao trong cái không gian đang co hẹp dần? 
“Chúng ta đang sống trần trụi trong đô thị cơ học”, một giáo sư xã hội học thẳng thắn bày tỏ trên một diễn đàn về bản sắc đô thị. Bỏ qua những lý luận dài dòng, bỏ qua những câu nệ về văn hóa, lịch sử, hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào những gì đang hình thành và diễn ra ngay trước mắt. Không thể chối bỏ sự thật là ta đang sống trong những cái chợ. Chợ lớn hay chợ nhỏ tùy theo quy mô đô thị, quần cư đang hít thở và sinh hoạt hàng ngày. Cái chợ theo đúng nghĩa “chợ búa” chứ không phải nghĩa bóng bẩy. Cái chợ đang từng ngày nuốt chửng cái không gian thấm đẫm sắc màu, hương vị văn hóa, lịch sử của Hà Nội. 
Còn gì nữa có sức tàn phá ghê gớm, chỉ trong dăm chục năm đã làm méo mó cả một bộ mặt đô thị. Có ai xem xét cạn cùng để trả lời câu hỏi lớn: Nhà ống và xe máy là diện mạo hay bản sắc của Hà Nội? Một kiến trúc sư chua chát tâm sự, ông thường được các thân chủ đặt hàng với yêu cầu: nhà tôi phải vừa ở vừa kinh doanh được. Mặt bằng dành cho kinh doanh có thể cho thuê văn phòng, mở hiệu cắt tóc gội đầu. Khi cần có thể “cải biên” thành quán ăn, cửa hàng    massage… Vậy là, trên đường phố, bên cạnh phòng khám bệnh tư, hiệu bán thuốc là cửa hàng cơm phở, cháo miến, rồi hàng bán điện thoại di động, cửa hàng thời trang, quán karaoke… Đâu đâu cũng kinh doanh mua bán, từ trong nhà ra tới vỉa hè, lòng đường, đứng ngồi đủ kiểu. Tư duy “mặt tiền” đầy ắp trong đầu không thể dứt ra được. Có một căn nhà mặt tiền coi như sống khỏe suốt đời…

Những hình ảnh trái ngược

Những ngôi nhà ống, nhà siêu mỏng và siêu méo ở Hà Nội, có lẽ là một “đặc sản” kiến trúc ít nơi nào có được. Chúng đã lọt vào ống kính và để lại ấn tượng khó phai mờ trong con mắt khách du lịch nước ngoài. Một du khách phương Tây đã trở lại Hà Nội vài lần chỉ để khám phá những phố nhà ống “độc đáo”. Anh ta đã lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm, chui sâu vào những ngôi nhà ống như một “địa đạo” lộ thiên chỉ độc nhất một lối ra vào. Sau cuộc thám hiểm hang động nhà ống, đã gặp mặt những cư dân cả đời sống không thấy ánh mặt trời, khí trời, anh đã “phát hiện” ra một “hiện tượng”: nhà ống quả là rất thích hợp với chiếc xe máy. Cái xe máy chiếm rất ít chỗ trong nhà, năm sáu cái xếp thành hàng dọc. Già trẻ, lớn bé đều dùng được, đi lại, chuyên chở. Nhất cử lưỡng tiện, khi cần có thể trở thành phương tiện sinh nhai, muốn dừng lại ở đâu cũng được. Nhà ống và xe máy là hai mặt không thể tách rời cuộc sống đô thị. Chúng tồn tại cộng sinh như là một điều hiển nhiên tối ưu không việc gì phải băn khoăn lựa chọn cho mệt. 
Dân tình không phải tìm cách thích nghi với kiểu đô thị chợ mà nhà ống và xe máy đã mặc định cách sống, cách ứng xử và cách suy nghĩ. Tựu trung màu sắc văn hóa của nó bao phủ lên toàn bộ đời sống xã hội đến từng cá nhân. Mấy tháng lang thang ở Hà Nội, chàng trai châu Âu thú nhận, mới đầu anh thấy ngạc nhiên, lạ lẫm với nếp sống ở đây. Phải tập mãi cho quen, dần dà cũng thích nghi với tập tính và tư duy của cộng đồng. Nhất là cái không gian vỉa hè như những mảnh chiếu từ trong nhà trải ra ngoài đường. Dường như mọi sinh hoạt đều phơi bày ra. Ma chay, cưới xin, bán buôn, ăn uống, chỉ thiếu ngủ nghê. Ngồi trên vỉa hè ăn uống xì xụp, quả là có thú vị thật. Song, bản sắc Hà Nội sẽ mai một còn lại gì khi người dân không e ngại “trần tục hóa” không gian văn hóa, bỏ lại sau lưng sự đằm thắm của nhân cách, sự tĩnh lặng của tinh thần Á Đông, những giá trị bền vững cần có trên bình diện tồn tại của một cộng đồng? Ngôi nhà, không gian sống, tế bào của xã hội bây giờ liệu có còn là nơi gìn giữ những giá trị tinh thần, giá trị nhân văn riêng biệt trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam tiếp nối từ đời này sang đời khác? 
Đã từng đặt chân đến các nước châu Á, người lữ khách phương Tây có dịp đặt Hà Nội bên cạnh những Tokyo, Osaka, Yokohama. So sánh là khập khiễng, anh nói, nhưng đó là hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Người Nhật quy hoạch thành phố của họ đến từng centimet, sự vận hành được lập trình theo một chế độ tối ưu. Cơ sở vật chất thật tuyệt hảo. Quá sạch sẽ, quá ngăn nắp và trật tự. Dường như hành vi của con người được tính toán một cách cực kỳ chính xác để không có sự dư thừa nào cả. Một thành phố như thế, mỗi cá nhân chỉ việc thực hiện các hành động theo quy trình và quy chuẩn có sẵn. Từ việc lên xuống tàu điện ngầm, xếp hàng trong siêu thị, thứ bậc trong phòng họp, bữa ăn, uống trà đạo. Thanh thiếu niên Nhật được chuẩn hóa các hành vi từ trong nhà, trường học đến nơi công cộng. Tất cả mọi hành vi thường ngày phải tuân theo các quy chuẩn từ việc cúi chào, bước vào thang máy, nghi thức đáp lễ… Nhịp độ sống và tốc độ làm việc của người Nhật rất nhanh nhưng lại rất hiệu quả. Thật ngược hẳn nhịp sống và nếp làm việc của người Việt. Hình như không ai tiếc thời gian, ngoài đường phố, trong quán xá, nhà hàng… lúc nào cũng chật ních, đông đúc. Thế nhưng khi đi trên đường, ai ai cũng “tranh thủ” luồn lách, lấn vượt, không ai chịu nhường ai, dù một nửa bánh xe. 

Đừng để người đi lướt qua nhau

Ai cũng hiểu rằng đời sống đô thị đang diễn ra với tốc độ ô tô, xe máy hoặc tàu điện ngầm như bên Nhật. Nhưng nó cũng bộc lộ quan hệ xã hội lạnh lùng, thoáng qua mà trong con mắt của người nước ngoài, người Nhật lướt nhanh bên cạnh nhau hơn là đi cùng nhau. Nếu chịu khó quan sát sẽ thấy họ ít nói chuyện với nhau trên tàu điện, xe buýt hay trong quán ăn. Ngay ở các khu chung cư, hầu như người ta không bao giờ qua thăm hỏi nhau, thậm chí không biết hàng xóm. Cái lý lẽ là họ rất tôn trọng riêng tư của người khác, nhưng hiện đại hóa đang tạo ra những khoảng trống nhân tâm. Gần nửa thế kỷ trước, thế hệ cha ông họ cũng sống cởi mở, tình cảm cộng đồng làng xã, phố phường đằm thắm như ở ta bây giờ. Hiện tại của họ có phải là tương lai mà ta đang vươn tới? Quá khứ của họ phải chăng là hiện tại của ta? Lựa chọn làm sao để có một không gian sống không làm mất đi bản sắc truyền thống, để còn chừa lại những khoảng trống cho nhân tâm và nhân văn?