Chưa kịp vươn khơi, tàu cá vỏ thép đã hỏng

ANTD.VN - Thay vì đóng tàu cá bằng thép chất lượng cao (xuất xứ Nhật Bản, Hàn Quốc), một số công ty đóng tàu đã  tự ý thay thế bằng thép Trung Quốc khiến tàu của nhiều ngư dân vừa khai thác đã hư hỏng.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản với chủ trương “giúp ngư dân đóng tàu vỏ thép vươn khơi, bám biển” đã tạo cú hích cho hàng trăm ngư dân được vay vốn, đóng tàu vỏ thép thay thế tàu vỏ gỗ. Tuy vậy, một số công ty được tham gia đóng tàu vỏ thép cho ngư dân đã sử dụng vỏ tàu không đảm bảo chất lượng, khiến con tàu trị giá hàng tỷ đồng của ngư dân vừa vươn khơi đã hỏng hóc.

Chưa kịp vươn khơi, tàu cá vỏ thép đã hỏng ảnh 1Đã có 557 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67 để vươn khơi bám biển

Sử dụng gần 1 năm đã hỏng

Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định thông tin, đã nhận được đơn kiến nghị của 10 hộ ngư dân phản ánh về tình trạng tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP bị hư hỏng chỉ sau gần 1 năm đưa vào khai thác. Qua kiểm tra 5 tàu cá do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng thì tất cả đều có tình trạng thân vỏ tàu, thiết bị gỉ sét và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi cũng bị hư hỏng.

“Một số lượng tôn (thép - PV) đóng tàu không đúng theo hợp đồng, nhà máy đóng tàu đã thay thế chất liệu thép Hàn Quốc/Nhật Bản bằng tôn Trung Quốc MAC A đủ điều kiện đóng tàu và được cơ quan đăng kiểm cho phép, nhưng không thông qua ngư dân (chủ tàu)”, đại diện Sở NN&PTNT Bình Định cho biết. 

Tương tự, qua kiểm tra 12/20 tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng), thân, vỏ tàu bị gỉ sét, máy chính Mitsubishi đều gặp sự cố và hư hỏng, máy phát điện cũng hỏng, hầm bảo quản không giữ được lạnh... Ngoài ra, quy định của Nghị định 67/NĐ-CP là hỗ trợ 100% thiết kế mẫu tàu cho ngư dân, nhưng Công ty Đại Nguyên Dương thu 130 triệu đồng thiết kế/tàu, còn Công ty Nam Triệu thu 240 triệu đồng thiết kế/tàu.

Tại Phú Yên, Sở NN&PTNT tỉnh này đã nhận được một số đơn kiến nghị của ngư dân phản ánh về tình trạng tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng.

Đáng nói, tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Bình Định, Sở NN&PTNT tỉnh này và các đơn vị đóng tàu nói trên thì các công ty đóng tàu đổ lỗi cho ngư dân không biết sử dụng và vỏ tàu cá han gỉ là do nước biển quá mặn. Công ty đóng tàu Đại Nguyên Dương cho rằng, dù thay thế bằng thép Trung Quốc nhưng chất lượng tương đương Nhật Bản và Hàn Quốc.  

Ai phải chịu trách nhiệm?

Liên quan đến thực trạng này, Bộ NN&PTNT cho biết, báo cáo từ các địa phương cho thấy, thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP, các địa phương hiện đã có 557 tàu cá đóng mới (trong đó có 188 tàu vỏ thép, 22 tàu composite và 347 tàu vỏ gỗ) và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động. “Phần lớn tàu cá vỏ thép đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên đã xuất hiện một số tàu vỏ thép không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho chủ tàu”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết.

Để chấn chỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm và chất lượng của các cơ sở đóng tàu và thực hiện tốt việc duy tu, sửa chữa cho các tàu vỏ thép, đảm bảo các tính năng kỹ thuật, sử dụng lâu dài của tàu, Bộ NN&PTNT đề nghị  UBND các tỉnh, thành phố ven biển tổng rà soát lại các cơ sở đóng tàu để đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc đánh giá và công bố cơ sở đóng tàu vỏ thép đủ điều kiện trên địa bàn”. Đồng thời, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn ngư dân, chủ tàu trên địa bàn các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với tàu cá, công tác duy tu sửa chữa tàu cá vỏ thép theo quy định.

Ngoài ra, các địa phương phải hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với tàu cá; duy tu, sửa chữa tàu cá tại địa phương theo phân cấp quản lý. Cùng đó, phải có biện pháp quản lý, giám sát chủ tàu thực hiện nghiêm việc kiểm tra an toàn kỹ thuật đúng thời hạn.