Chưa hết mơ hồ

ANTĐ - Kinh tế phát triển, đô thị hóa nhanh, thu nhập của người dân nhích dần lên, lối sống hiện đại ngày càng cuốn hút làm thay đổi nếp nghĩ và hành vi tiêu dùng của phần lớn người dân đô thị. Một cuộc khảo sát ngẫu nhiên tập trung chủ yếu vào các đối tượng hộ gia đình là cán bộ, công nhân, nhân viên đại diện cho đa số tầng lớp dân cư với mức thu nhập bình quân 3-4,5 triệu đồng/tháng tại bốn thành phố lớn tiêu biểu là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM đã có những kết quả khá thú vị, đáng quan tâm.

Khảo sát ở Hà Nội và TP.HCM cho thấy, bình quân chi tiêu cho lương thực, thực phẩm khoảng 960.000 đồng/người/tháng. Ở Hải Phòng và Đà Nẵng thấp hơn với mức chi bình quân khoảng 800.000 đồng/người/tháng. Điều lý thú là người dân miền Bắc thích ăn thịt lợn hơn người dân miền Nam. Người dân ở Hải Phòng, Đà Nẵng đương nhiên ưa đồ hải sản hơn so với dân Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể là, bình quân mỗi tháng người Hà Nội mua tới 2,2kg thịt lợn và 1,7kg thủy sản; người Hải Phòng là: 2,3kg thịt lợn và 2,52kg thủy sản; người TP.HCM chỉ dùng 1,52kg thịt lợn và 1,74kg thủy sản.

Những chuyện chợ búa này không phải… vô bổ, nó cho thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân để các nhà sản xuất, kinh doanh và nhà hoạch định chính sách nắm rõ và định hướng. Ngày nay, người tiêu dùng ngày càng chú tâm tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Có tới 50%, thích mua thực phẩm chế biến, ngoài giò, chả, thịt quay, người ta đang chuyển dần sang thịt hộp, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, vẫn còn tới 36% người dân Hà Nội và 42% người Hải Phòng mua thực phẩm không đóng gói và thịt không có dấu kiểm dịch.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cuộc khảo sát khá công phu không chỉ giúp ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm, mà còn cho thấy hệ thống phân phối lương thực, thực phẩm vẫn còn nhiều “lỗ hổng và nút thắt”, nhất là về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Đã gần 2 tháng có hiệu lực thi hành mà dường như Luật Bảo vệ người tiêu dùng vẫn đứng ngoài lề cuộc sống do thiếu hướng dẫn cụ thể. Cơ quan quản lý Nhà nước lúng túng khi thực thi, người dân thì vẫn “mơ hồ” không biết mình được che chắn, bảo vệ ra sao khi bị xâm phạm quyền lợi. Người tiêu dùng quả là lực lượng đông đúc nhất, đông mà không mạnh, dễ bị “sát thương” trong cuộc chiến “tay không” với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vốn quá sành sỏi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Theo phân tích của Trưởng ban Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, người tiêu dùng có ba cái yếu thế: Yếu khả năng hiểu biết về sản phẩm, yếu tính chuyên nghiệp trong giao dịch và yếu tiềm lực tài chính, kỹ thuật, nhất là tiềm lực về pháp lý. Yếu “toàn thân” nên không thể tự bảo vệ mình. Nhà nước chỉ có một phương tiện can thiệp duy nhất là trao cho người tiêu dùng “vũ khí” - Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Tiếc thay, luật chưa đến tay đã “vênh” do thiếu hướng dẫn cụ thể. Điều mà người dân cần là khi nguyền lợi bị xâm phạm thì cần tìm đến đâu, gặp ai, làm những thủ tục gì. Một vài vụ muốn khiếu nại thường tìm đến văn phòng luật sư, song chi phí không nhỏ nên cũng đành chịu thiệt.

Gần tròn 2 tháng Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực, vậy mà nghị định về xử phạt vi phạm vẫn còn đang dự thảo. Khi có được nghị định lại phải đợi thêm thông tư hướng dẫn. Hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, người tiêu dùng lại thiếu kiến thức, kỹ năng và chưa hết mơ hồ về quyền lợi của mình thì làm sao tự bảo vệ được bản thân.