Chưa đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm

ANTD.VN - Hỏi: Tôi cho người bạn vay số tiền gần 200 triệu đồng không lấy lãi từ năm 2015, với cam kết có giấy tờ thể hiện đến tháng 8-2017 bạn tôi sẽ trả đủ. Tuy nhiên đến thời hạn, bạn tôi lấy lý do làm ăn thua lỗ nên không có tiền và đề nghị mỗi tháng sẽ trả 2 triệu đồng cho đến khi hết nợ. Xin luật sư tư vấn giúp, tôi phải làm gì trong trường hợp này để lấy lại đủ số tiền? Hành vi của bạn tôi có phải lừa đảo? Nguyễn Huy Quang, (Ba Đình, Hà Nội)

Luật sư Vũ Ngọc Chi - Giám đốc Công ty Luật Tam Anh Địa chỉ: Số 31, ngách 165/36, phố Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội

Trả lời: Trước hết, xin chia sẻ với bạn về rắc rối mà bạn đang gặp phải. Về việc đề cập, thông tin bạn gửi đến chúng tôi không thật sự rõ ràng vì trong giấy tờ vay tiền không thấy bạn nhắc đến lý do vay mượn cũng như các cam kết mục đích sử dụng tiền cụ thể. Vì thế chúng tôi xin đưa ra các giả định gắn với những biện pháp giải quyết theo quy định pháp luật để bạn xem xét và vận dụng.

Trường hợp thứ nhất là theo Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (đang có hiệu lực thi hành) thì người thực hiện hành vi lừa đảo phải là người sử dụng thủ đoạn gian dối khiến bị hại lầm tưởng và trao cho tài sản, rồi chiếm đoạt. Trong trường hợp này, chúng tôi không nhận thấy người bạn của bạn dùng bất kỳ một thủ đoạn gian dối nào khiến bạn lầm tưởng mà giao tiền. Do đó, chỉ về mặt hành vi khách quan cũng chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 139-BLHS. 

Tương tự đặt vấn đề người bạn của bạn có phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 140-BLHS không, chúng tôi cũng nhận thấy không thỏa mãn. Bởi theo như bạn mô tả thì việc vay mượn tiền bạc giữa hai người hoàn toàn tự nguyện. Sau đó, mặc dù đã đến hạn trả nợ nhưng người bạn của bạn lại không có tiền để trả do làm ăn thua lỗ. Thay vào đó, người vay tiền đề xuất phương án sẽ trả nợ dần cho tới khi nào hết nợ mới thôi.

Như vậy có thể thấy là bạn của bạn không hề có ý định bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền vay mượn của bạn. Ngoài ra, việc vay mượn tiền bạc kia cũng không dùng vào hoạt động bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn phát hiện ra bạn của bạn dùng thủ đoạn gian dối khiến bạn lầm tưởng và giao tiền hoặc anh này bỏ trốn để “xù nợ” thì bạn cần làm đơn tố cáo tới cơ quan công an để được bảo vệ.      

Loại bỏ yếu tố hình sự đồng nghĩa với việc chuyện vay mượn tiền bạc của bạn là quan hệ dân sự. Vì thế nếu không chấp nhận phương án trả nợ dần mỗi tháng 2 triệu đồng cho tới khi nào hết nợ mới thôi thì bạn có thể khởi kiện ra tòa án quận, huyện nơi người bạn của bạn sinh sống để được giải quyết theo mong muốn của bạn.

Vậy nhưng cũng theo thông tin mà bạn cung cấp thì người vay tiền hiện nay đang gặp khó khăn nên không thể thanh toán số tiền vay ngay một lúc, vì thế bạn cần cân nhắc. Bởi nếu có đưa vụ việc ra tòa án mà người bạn chứng minh được hoàn cảnh khó khăn thì tòa án cũng không thể nào buộc người vay tiền phải thanh toán cho bạn đầy đủ số vay ngay tại thời điểm này.