Chưa đủ khả năng nộp tiền, có quyền ghi nợ tiền "sổ đỏ"

ANTĐ - Đó là thông tin Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang đưa ra tại Chương trình dân hỏi - Bộ trưởng trả lời xung quanh vấn đề cấp “sổ đỏ”. 

- Một số hộ dân không nhận hoặc trả lại “sổ đỏ” do áp dụng hệ số K để tính tiền sử dụng đất cao, Bộ TN-MT có hướng xử lý như thế nào?

- Nguyên nhân khiến nhiều hộ dân ở TP.HCM không nhận hoặc trả lại “sổ đỏ” là do hệ số K cao (từ 2 - 4,5 lần), dẫn đến số tiền sử dụng đất phải nộp quá nhiều, trong khi điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình có đất cần cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) còn rất khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi đã bàn với Bộ Tài chính và đề nghị UBND TP.HCM và UBND các tỉnh, thành phố cần vận dụng Thông tư số 93 của Bộ Tài chính cho phù hợp. Theo đó, để bảo đảm quyền của người có đất và đảm bảo công tác quản lý Nhà nước, các địa phương cần quy định hệ số K theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân có khả năng nộp được các khoản tiền theo quy định. Hiện nay, TP.HCM đã điều chỉnh hệ số K xuống còn 1,3 - 2 lần.

- Người dân phản ánh khi nhận “sổ đỏ” đã phải nộp khoản phí chậm nộp là 0,05%. Thực chất khoản phí này là gì?

- Cần hiểu rõ nội dung của vấn đề nêu trên, tức là khi đã có Thông báo nộp tiền sử dụng đất, nếu người sử dụng đất chậm nộp tiền thì phải nộp một khoản phạt là 0,05%/ngày (tương đương 18%/năm), tính trên tổng số tiền phải nộp. Quy định này là theo Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, tại Nghị định số 120, Nhà nước cũng có quy định, nếu người dân chưa có đủ khả năng nộp tiền thì được ghi nợ vào GCN mà không phải chịu tiền phạt chậm nộp. Số ghi nợ nếu được thanh toán trong vòng 5 năm thì người dân chỉ nộp tiền theo giá đất tại thời điểm cấp GCN. Như vậy, trường hợp trên có thể do địa phương chưa triển khai thực hiện quy định về ghi nợ hoặc người dân chưa hiểu rõ quy định nên đã không làm thủ tục ghi nợ. 

- Như vậy, có thể hiểu là các địa phương chưa vận dụng hết chính sách?

- Qua làm việc với một số địa phương, một số huyện, thị xã vẫn đề nghị cho ghi nợ trong khi Nghị định 120 đã quy định về vấn đề này. Tôi đề nghị các địa phương cần phổ biến để người dân hiểu rõ chính sách này. Các cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp GCN phải có hướng dẫn cụ thể để người dân biết và làm đơn xin ghi nợ nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, nếu người dân có khả năng về tài chính thì tốt nhất là không nên ghi nợ. Nếu đã ghi nợ thì cũng nên nộp trong thời hạn 5 năm, vì sau 5 năm phải nộp theo giá tại thời điểm nộp. Bộ TN-MT đã đề nghị cần xem xét, sửa đổi theo hướng đã cho phép người dân có nhu cầu được ghi nợ thì không phạt chậm nộp đối với các trường hợp công nhận quyền sử dụng đất trong thời gian 5 năm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

- Bộ TN-MT đã đưa ra nhiều giải pháp để tăng tốc cấp “sổ đỏ”, kết quả tới nay ra sao, thưa Bộ trưởng?

- Chính phủ và UBND các địa phương trên cả nước đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp GCN. Nhiều tỉnh, thành phố đã có chuyển biến tích cực như TP.HCM, Tuyên Quang, Lai Châu... song cũng còn một số địa phương chuyển biến chậm như Sơn La, Kon Tum... Còn nhiều địa phương chưa ưu tiên dành kinh phí hoặc cấp rất hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ cấp GCN phải hoàn thành do nguồn thu từ đất của các địa phương ngày càng giảm. Khó khăn này ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng hoàn thành mục tiêu cấp GCN trong năm 2013. 

Nhiệm vụ cấp GCN quyền sử dụng đất ở nhiều địa phương trong 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Vì vậy, Bộ TN-MT đề nghị các Bộ, ngành liên quan và địa phương tích cực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ, Quốc hội đã đề ra về cấp GCN quyền sử dụng đất trong năm 2013.