Chưa đi vào cuộc sống

ANTĐ - Có hai cách đánh giá tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2013 tại kỳ họp Quốc hội. Theo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong khi đó, Quốc hội tỏ ra thận trọng hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ rất khó khăn trong năm nay với những dấu hiệu chỉ báo tình trạng suy giảm kinh tế đang rõ nét hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách phân tích: quý I và tháng 4 năm nay tăng trưởng kinh tế so với cùng kỳ năm 2013 có tăng cao hơn, đó là tín hiệu khả quan. Tuy vậy, so với tiến độ mục tiêu đặt ra cho cả năm là 5,5%, thì mục tiêu đạt được của 4 tháng đầu năm chưa được như mong muốn.

Nếu muốn đạt được 5,5% GDP, từ nay đến cuối năm, đặc biệt là quý III và quý IV tăng trưởng kinh tế phải đẩy lên tốc độ cao hơn nhiều. Thực tế, những tháng đầu năm có những điểm sáng nổi lên như lạm phát được kiềm chế, giá cả không tăng, không biến động mạnh, khiến đời sống người dân cũng đỡ khó khăn, điều này cũng có tác động tích cực đến niềm tin của người dân. Thành tích kiềm chế lạm phát cả năm 2012 và 5 tháng đầu năm đã được các đại biểu Quốc hội “soi” ở những góc độ khác nhau.

Trong các kỳ họp Quốc hội trước, nhiều đại biểu đã kiến nghị Chính phủ nên “hy sinh” tăng trưởng để kiềm chế lạm phát, khi nền kinh tế tăng trưởng GDP năm 2012 chỉ đạt 5,02% so với kế hoạch Quốc hội đề ra là 6%, một khoảng cách chưa từng xảy ra từ trước tới nay, thì hầu hết các đại biểu đều tỏ ra sốt ruột về tình hình tăng trưởng.

Một số ý kiến cho rằng, đặt vấn đề phải xử lý hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát, đến thời điểm này lạm phát đã giảm mà kinh tế cũng suy giảm theo thì đó là điều đáng suy nghĩ. Kiềm chế lạm phát tất yếu là hết sức cần thiết, nhưng nếu cứ để GDP tụt dốc như hiện nay thì tình hình sẽ không cải thiện được và gây ra nhiều hệ lụy. Không chỉ một số đại biểu quốc hội mà trong giới chuyên gia đề xuất quan điểm, có thể do quá nặng “kìm cương” lạm phát nên đã dẫn đến suy thoái kinh tế.

Vì vậy, đã đến lúc cần phải chấp nhận lạm phát ở mức vừa phải để kéo tăng trưởng kinh tế lên cao. Lạm phát hay suy thoái đều là “bóng ma” của nền kinh tế, đều đáng sợ. Song, lạm phát thường chỉ ngắn hạn và cũng dễ chữa trị. Còn suy thoái mang tính dài hạn, muốn khắc phục, “điều trị” khó khăn hơn nhiều. Nếu cứ để bị ám ảnh nỗi lo “bóng ma” lạm phát thì không thể tránh đối mặt với suy thoái.

Mặc dù khó có thể dự cảm gì về triển vọng kinh tế, ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng, những giải pháp của Chính phủ đặt ra đều đúng nhưng chậm đi vào cuộc sống. Báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, chủ trương, cơ chế chính sách tuy sớm được ban hành, song việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện còn chậm nên không ít trường hợp chưa đi vào cuộc sống.