Chưa đến hồi ngã ngũ

ANTĐ - Lại thêm một một phụ tá hàng đầu của thủ lĩnh nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng al-Baghdadi ở Iraq bị tiêu diệt trong một cuộc không kích, ấy thế nhưng chiến sự giữa quân đội Iraq và IS vẫn chưa đến hồi ngã ngũ. 
Chưa đến hồi ngã ngũ ảnh 1
Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Wales đang được hy vọng là tạo ra được một liên minh quốc tế đối phó với IS

Theo các nguồn tin tình báo, máy bay của quân đội Iraq đã không kích căn cứ của IS tại tỉnh Nineveh và tiêu diệt tên Abu Hajr al-Suri, phụ tá hàng đầu của thủ lĩnh nhóm phiến quân IS. Khu vực không kích nằm giữa 2 thành phố Mosul và Tal Afar, ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Iraq, nên hiện chưa có kiểm chứng độc lập về cái chết của đối tượng quan trọng này.

Kể từ khi Mỹ quyết định mở các cuộc không kích nhằm vào các lực lượng của IS để hậu thuẫn cho quân đội Iraq, nhiều thủ lĩnh của IS đã bị tiêu diệt, dẫn đến tình hình trên chiến trường đã có những chuyển biến. So với thời điểm hồi tháng 6, khi lực lượng IS bất ngờ đánh chiếm một khu vực rộng lớn ở miền Bắc Iraq và tuyên bố thành lập cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” tại các vùng chiếm giữ, giờ đây quân đội Chính phủ Iraq đã giành lại ưu thế tại một số chiến trường. 

Mặc dù tốc độ tiến quân bị cản trở do các tay súng IS gài mìn trên các tuyến đường nhưng quân đội Iraq đã chiếm được nhiều khu vực xung quanh các cứ điểm quan trọng của phiến quân IS. Với sự hỗ trợ của các loại vũ khí hiện đại mới mua của Nga như máy bay trực thăng tấn công Mi-28, máy bay tiêm kích Su-25, quân đội Iraq đang thu hẹp dần vùng chiếm đóng của IS, vốn đã từng chiếm tới 1/3 diện tích nước này.

 Có điều là bất chấp những thắng lợi trên chiến trường, bạo lực ở Iraq chưa có dấu hiệu giảm. Hồi đầu tuần, Iraq đã phải chứng kiến làn sóng bạo lực tồi tệ nhất trong những năm gần đây khi ít nhất 13 người thiệt mạng và 45 người bị thương trong 2 vụ đánh bom xe ở Thủ đô Baghdad. Còn theo con số thống kê của phái bộ LHQ tại Iraq, nạn khủng bố và bạo lực trong nửa đầu năm nay ở nước này đã cướp đi sinh mạng 5.576 dân thường và gần 11.000 người bị thương.

Vấn đề là ở chỗ Iraq đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức. Mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc, đặc biệt là giữa 3 cộng đồng dân cư đông đúc nhất là người Hồi giáo dòng Sunni,  Shiite và Kurd, vẫn rất sâu sắc. Hai vụ đánh bom kể trên ở Thủ đô Baghdad xảy ra vào dịp lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo là bằng chứng cho thấy mâu thuẫn tiềm ẩn đó. 

Tình hình càng phức tạp với sự nổi lên nhanh chóng của nhóm phiến quân IS đầy sức mạnh. Thực tế cho thấy ngăn chặn mối đe dọa của IS đã trở thành nhiệm vụ quá sức với Iraq. Chính vì thế mà giới chức Quốc hội Mỹ phải lên tiếng hối thúc Nhà Trắng triển khai một chính sách cụ thể để đánh bại IS. Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình NBC, Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ Diane Feinstein cho rằng, Tổng thống Obama dường như đã “quá thận trọng” trong việc đối phó với IS, đồng thời hối thúc Nhà Trắng triển khai hành động “dứt khoát”.

Mục tiêu của Mỹ là thành lập một liên minh quốc tế đối phó với IS và đề nghị này đã được đặt lên bàn hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện đang diễn ra ở xứ Wales. Một khi đề nghị đó không sớm được thông qua, chiến sự ở Iraq chưa thể có hồi kết.