Chưa có nơi thường trú mới sau khi bán nhà có được giữ hộ khẩu tại nơi ở cũ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành, nhiều bạn đọc gọi điện đến Đường dây nóng ANTĐ đặt câu hỏi: Nếu nhà chưa được cấp “sổ đỏ”, công dân có được nhập hộ khẩu không? Người đã bán nhà nhưng chưa có nơi đăng ký thường trú khác có được giữ hộ khẩu tại nơi có nhà đã bán?

Về việc nhập hộ khẩu khi nhà chưa được cấp “sổ đỏ”, Khoản 1 Điều 21 Luật Cư trú quy định, công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với đối tượng này gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp.

Về giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, Khoản 1 Điều 5 Nghị định 62/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú nêu rõ, công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau:

Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);

Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);

Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Hợp đồng mua nhà ở…

Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn; Giấy tờ có xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở…

Như vậy, theo quy định trên, để được đăng ký thường trú tại nơi ở, người dân không bắt buộc phải xuất trình “sổ đỏ”, mà có thể sử dụng một trong các giấy tờ trên…hoặc xin xác nhận của UBND xã về việc nhà đất không có tranh chấp trù các trường hợp quy định tại điều 23 Luật Cư trú.

Luật Cư trú 2020 có nhiều quy định mới liên quan đến việc nhập hộ khẩu (ảnh minh họa)

Luật Cư trú 2020 có nhiều quy định mới liên quan đến việc nhập hộ khẩu (ảnh minh họa)

Về những trường hợp đã bán nhà nhưng chưa có nơi đăng ký thường trú khác, Điều 24 Luật Cư trú 2020 quy định, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú.

Đối chiếu quy định trên, người bán nhà chỉ được giữ hộ khẩu tại nhà đã bán nếu thỏa thuận với chủ sở hữu mới của ngôi nhà, cho phép giữ đăng ký thường trú tại địa chỉ đó sau khi bán nhà.

Bên cạnh đó, người bán nhà có thể xin thuê, mượn hoặc ở nhờ nhà đó, đồng thời, xin được tiếp tục đăng ký thường trú tại chỗ ở đó (nếu họ đồng ý).

Trong trường hợp chưa mua được nhà ở mới nhưng đã chuyển đến chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, người đã bán nhà cũng có thể xin chủ nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ để đăng ký thường trú tại đó. Tuy vậy, nếu chủ nhà thuê, mượn, ở nhờ không đồng ý thì người thuê, mượn cũng không được đăng ký thường trú tại chỗ ở này.

Như vậy, nếu người đã bán nhà dù thuê, mượn được nơi ở mới, nhưng chủ nhà đó không cho đăng ký hộ khẩu, trong khi đó, bên mua nhà cũng không cho giữ đăng ký thường trú tại nhà cũ thì nơi cư trú của họ được xác định là nơi tạm trú,, miễn là không thuộc trường hợp cấm đăng ký tạm trú mới tại Điều 23 Luật Cư trú.

Điều 19 Luật Cư trú 2020 quy định, nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó. Nếu không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người này sinh sống thực tế.