Chưa có câu trả lời thỏa đáng về chạy chức chạy quyền

ANTĐ - Sáng 29-3, Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Nhiều vấn đề cử tri còn bức xúc đã được các đại biểu (ĐB) truyền đạt.

Chưa có câu trả lời thỏa đáng về chạy chức chạy quyền ảnh 1ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng, các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng Ngân sách Nhà nước chẳng giảm mà cứ phình ra

Thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, các ĐB cho rằng hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy theo hướng xây dựng Nhà nước kiến tạo.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ký kết nhiều Hiệp định thương mại quan trọng trong bối cảnh hết sức khó khăn dưới tác động tiêu cực từ tình hình thế giới và trong nước là những điểm nhấn quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được các ĐBQH nêu bật trong phần đánh giá về kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2011 - 2016.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhận xét: “Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng quyết liệt, miệng nói tay làm. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình bình tĩnh, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiên trì với đề án nhà ở xã hội. Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân khiêm nhường, tháo gỡ nút thắt khó khăn cho khoa học. Các Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Đinh Tiến Dũng, Hoàng Tuấn Anh đã thể hiện vai trò, vị trí người đứng đầu và quyết liệt thay đổi”. 

Tuy nhiên bên cạnh các mặt tích cực cần ghi nhận, các ĐB cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại của nhiệm kỳ qua. ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu một điểm hạn chế của Chính phủ là bộ máy vẫn cồng kềnh, nhiều trùng lắp, chồng chéo các lĩnh vực quản lý giữa các bộ.

Trong khi đó, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng không thể đổ lỗi hết cho Chính phủ về những hạn chế, tồn tại của đất nước vì hiện nay thể chế và cơ chế của ta còn nhiều bất cập. ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng bộ máy biên chế, kể cả các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng Ngân sách Nhà nước chẳng giảm mà cứ phình ra.

ĐB Đỗ Văn Đương đã đưa ra một số giải pháp như nhất thể hóa một số chức danh giữa Đảng và chính quyền; Giảm bớt tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức đoàn thể hưởng lương bằng ngân sách Nhà nước bằng cách hợp nhất, để bớt các tầng lớp cán bộ trung gian, cán bộ phong trào. Nói về chạy chức chạy quyền, theo ĐB Đỗ Văn Đương, đây là câu hỏi rất lớn mà nhiều nhiệm kỳ qua cho đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng. 

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ công chức, nhân dân đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế xã hội nhưng lại không thấy xuất hiện trong các báo cáo.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường nhìn nhận và cho rằng, nếu chỉ tuyên truyền, giăng băngrôn, khẩu hiệu hô hào không là chưa đủ, mà phải có giải pháp đồng bộ như ban hành phổ biến giáo dục pháp luật, bảo đảm các điều kiện thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. ĐB Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: “Đất nước đang hội nhập đòi hỏi chúng ta hơn lúc nào hết cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống. Nếu không, chúng ta sẽ mãi tụt hậu so với thế giới”.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước nổi lên 3 điểm sáng

Thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước tại hội trường Quốc hội sáng 29-3, đa số ĐBQH đánh giá cao những kết quả mà Chủ tịch nước đã làm được trong thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

ĐB Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, tổng kết của Chủ tịch nước nổi lên 3 điểm sáng. Đó là cải cách tư pháp, thể chế hoá quy định của pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tế; hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; trong hoạt động thực tiễn, Chủ tịch nước thể hiện sự gần gũi, chăm lo đời sống nhân dân. 

Đồng quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chia sẻ, theo đánh giá của cử tri, Chủ tịch nước nhiệm kỳ qua đã gương mẫu trong lối sống, trong công việc, có tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt, Chủ tịch nước đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đổi mới hệ thống pháp luật; có thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ… 

Cần thẳng thắn nhận trách nhiệm khi để xảy ra án oan sai

Góp ý vào báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đánh giá, những nỗ lực lớn trong cải cách tư pháp của ngành Tòa án nhiệm kỳ này là đáng ghi nhận, việc thay đổi Tòa án nhân dân tối cao như hiện nay có thể coi là một cuộc cách mạng có ý nghĩa tích cực và dài hạn cho nền tư pháp.

Tương tự, cử tri hoan nghênh Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có tư tưởng cải cách tư pháp mạnh mẽ và có những đóng góp nhất định vào việc chống tham nhũng trong các cơ quan tư pháp. 

Về mặt hạn chế của Tòa án và Viện kiểm sát, các ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)… đề cập đến việc án oan sai trong tố tụng hình sự và cho rằng việc bồi thường án oan sai trong nhiệm kỳ qua dù đã được các cơ quan tư pháp thực hiện song vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của dân. 

Nguyễn Phan