Chữa cháy hiệu quả phải từ trong ý thức phòng ngừa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ còn ít thời gian nữa Trung tá Đỗ Văn Chiến, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC, CAH Sóc Sơn, Hà Nội sẽ nhận “sổ hưu”. Cả cuộc đời gắn bó với nghiệp chữa cháy, anh chẳng nhớ được bản thân và đồng đội đã kịp thời chữa cháy và cứu giúp bao nhiêu người... Và giờ sắp hoàn thành nghĩa vụ với Đảng, Nhà nước, Ngành giao phó, anh vẫn đau đáu khi ý thức phòng cháy, chữa cháy của không ít người dân vẫn coi nhẹ “bà hỏa”.

Ám ảnh những ngọn lửa hung dữ

Đón chúng tôi sau trận mưa lớn cuối hạ, Trung tá Đỗ Văn Chiến hóm hỉnh: Lính chữa cháy mà gặp trời mưa thì không có gì thích bằng. Cả cuộc đời gắn bó với nước và lửa, chẳng những vậy mà ngay cả ngày nhập học trường Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy của anh cách đây hơn 30 năm trời cũng mưa tầm tã. Đón các sinh viên khóa ấy vào học, thầy giáo chủ nhiệm của anh cũng nói đại ý, các cậu nhập học về phòng cháy lại đúng vào hôm mưa thì hy vọng sau này sẽ cứu giúp được nhiều người, "lấy nước giời dậy lửa dữ".

Trung tá Đỗ Văn Chiến và đồng đội

Trung tá Đỗ Văn Chiến và đồng đội

Sau câu nói đầy ẩn ý và hóm hỉnh của thầy giáo, vào học và những tháng ngày rèn luyện sau đó, anh và đồng đội dần thấu hiểu cái nghiệp phòng cháy, chữa cháy gian nan và nguy hiểm nhưng cũng vinh quang đến dường nào. Các cụ ngày xưa vẫn nói “thủy hỏa đạo tặc” hay “nhất thủy nhì hỏa”, hàm ý nói về sự dữ dội, khủng khiếp của nước dâng, lửa cháy đối với con người.

Ban đầu, ước mơ của Trung tá Đỗ Văn Chiến là làm bác sỹ. Tuy nhiên, người cha của anh lại muốn anh trở thành một chiến sỹ Cảnh sát phòng, cháy chữa cháy. Chỉ với phân tích: Bác sỹ thì cứu người, còn chữa cháy thì cứu cả người và tài sản cho nhân dân nên Trung tá Đỗ Văn Chiến quyết tâm gắn bó với nghiệp chữa cháy từ ấy.

Vụ cháy mà cho đến tận bây giờ chuẩn bị nhận “sổ hưu” anh vẫn không thể nào quên được, đó là ngày 14/7/1994 cháy chợ Đồng Xuân. Khi đó, anh đang trong ca trực thì nhận được điện báo xảy cháy ở chợ Đồng Xuân. Cấp tốc báo cáo lên chỉ huy đơn vị, chỉ ít giây sau, toàn bộ kíp trực cùng với phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn nhanh chóng nhằm hướng chợ Đồng Xuân để chi viện cho các đơn vị bạn đang gồng mình dập lửa dữ.

Đối với mỗi CBCS Cảnh sát phòng, cháy chữa cháy thì nhiệm vụ chữa cháy, cứu hộ cứu nạn là cứu người, cứu tài sản cho nhân dân, vinh quang và tự hào

Đối với mỗi CBCS Cảnh sát phòng, cháy chữa cháy thì nhiệm vụ chữa cháy, cứu hộ cứu nạn là cứu người, cứu tài sản cho nhân dân, vinh quang và tự hào

Do là chợ lớn, nhiều tầng, hàng hóa hầu hết là những thứ dễ cháy, nên khi ngọn lửa bốc lên, nó đã nhanh chóng loang ra khắp các gian hàng và bủa vây tứ phía khiến cho những người lính phòng cháy chữa cháy rất khó tiếp cận mục tiêu trung tâm để dập lửa.

Giữa cả biển lửa hung dữ ấy, Trung tá Đỗ Văn Chiến cùng với đồng đội của mình chẳng quản nguy hiểm lao mình vào lửa dùng vòi rồng phun nước cứu lấy tài sản cho người dân. Ở bên ngoài, các tiểu thương nhìn chợ cháy khóc lóc thảm thiết, suy sụp, có người ngất lịm vì đau đớn, tiếc của.

“Hàng chục năm đã qua đi nhưng những hình ảnh đó cứ nhức nhối trong tôi, dội về như nhắc nhở bản thân và đồng đội phải nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn và chủ động hơn nữa trong phòng, cháy chữa cháy”- Trung tá Đỗ Văn Chiến tâm sự.

Mong người dân luôn nhớ “nhì hỏa”

Hỏi chuyện Trung tá Đỗ Văn Chiến, anh sợ nhất là cháy gì? Chẳng cần nghĩ ngợi, Trung tá Chiến cho biết, sợ nhất là cháy nhà rồi đến cháy xưởng, nhà máy. Lý do là bởi khi cháy nhà thì tính mạng của người dân thường rất dễ gặp nguy hiểm, bởi những vụ cháy đó nguyên nhân hầu hết là do sự bất cẩn trong sinh hoạt, cuộc sống.

Có cả nghìn lý do dẫn tới cháy, như đấu nối cầu dao, dây điện không đúng; hay đơn giản nhất là thắp hương ngày rằm, mùng một mà lỡ quên không chú ý dẫn tới tàn nhang rơi đúng vào đệm, ga, gối hay chất dễ cháy để bùng lên ngọn lửa lớn. Hiện cuộc sống của người dân đang thay da đổi thịt, có điều kiện hơn trước rất nhiều. Ngay cả ở các thôn quê, bếp kiềng đun rơm, củi ngày trước giờ cũng rất hiếm, thay vào đó là bếp ga, bếp điện. Hiện đại thì có thích thật đấy, nhưng nếu không chú ý thì cũng rất dễ xảy ra cháy nổ từ những vật dụng, thiết bị này.

Cháy nhà hay cháy bất cứ nơi nào vào ban đêm luôn là điều ám ảnh với anh và các đồng đội. Hơn chục năm trước, khi đang trực, anh nhận được tin báo tại công ty sửa chữa lắp máy ô tô trên địa bàn huyện Đông Anh xảy ra cháy lớn. Điểm cháy là một nhà kho nơi chứa rất nhiều những thiết bị, dụng cụ và sản phẩm đều dễ cháy cả như cao su, sơn, da…

Tăng cường tuyên truyền cho nhân dân hiểu và nắm rõ các biện pháp phòng cháy chữa cháy sẽ góp phần hiệu quả trong phòng chống cháy nổ

Tăng cường tuyên truyền cho nhân dân hiểu và nắm rõ các biện pháp phòng cháy chữa cháy sẽ góp phần hiệu quả trong phòng chống cháy nổ

Nhà kho thì rộng, ngọn lửa nhanh chóng liếm trọn cả không gian. Sau nhiều giờ vật lộn với con rồng lửa hung dữ, anh và đồng đội mới khống chế được nó, trả lại mặt bằng tắt lửa, nước sũng cả sàn nhà kho cho doanh nghiệp dọn dẹp, chuẩn bị tái thiết khu nhà kho phục vụ sản xuất. “Cũng may, vụ cháy không gây thiệt hại về người”- Trung tá Đỗ Văn Chiến nhớ lại.

Với đặc thù hai địa bàn Đông Anh và sau này là Sóc Sơn khi anh đang công tác, thì ngoài việc chữa cháy nhà dân, xưởng, nhà máy sản xuất thì Trung tá Đỗ Văn Chiến và đồng đội còn chủ động tham gia phòng, cháy chữa cháy rừng. Nguyên nhân cháy rừng hiện nay không phải do thời tiết nắng nóng, mà phần lớn bởi ý thức của người dân. Hiện có rất nhiều khu nhà nghỉ dưỡng theo hình thức home stay hoặc người dân đi cắm trại ở các khu rừng. Khi đó, hoạt động nấu nướng là khó tránh khỏi. Chỉ cần người dân sơ ý, chủ quan quên không dập các đống củi đã đốt trong đêm nướng thịt, nấu ăn thì khi ra về, một cơn gió cuốn những tàn lửa này bay ra ngoài gặp lá khô là thổi bùng lên cả ngọn lửa dữ có thể thiêu cháy cả cánh rừng lớn.

Chữa cháy rừng vất vả và hiểm nguy bởi việc tiếp cận cũng như hỗ trợ về nguồn nước rất khó khăn. Thường khi phát hiện những vụ cháy rừng thì đám cháy đã lan rộng, hung dữ rất nhiều. Điều đó càng khiến cho công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Chống cháy lan cũng như khoanh vùng nhỏ nhất điểm cháy, cứu người và tài sản luôn là mục tiêu quan trọng nhất trong những lần xông vào lửa dữ của Trung tá Đỗ Văn Chiến và đồng đội. Sau khi dập lửa xong, gần như những người lính phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn như anh đều kiệt sức, nằm xoài ngay trên vệ cỏ cháy đen để… thở hoặc ngủ vùi vì mệt.

Cả cuộc đời gắn bó với công tác phòng, cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, giờ chuẩn bị nhận “sổ hưu”, anh Trung Đỗ Văn Chiến vẫn đau đáu một nỗi niềm mong làm sao ý thức về phòng, cháy chữa cháy của người dân thêm được nâng cao. Anh tâm sự, mọi người nên hiểu rằng, hãy phòng cháy từ khi chưa xảy cháy, bởi khi xảy ra cháy rồi thì ít nhiều thiệt hại cũng sẽ xảy ra. Không những vậy, nếu sự bất cẩn, chủ quan của người dân càng lớn thì hậu quả của vụ cháy sẽ vô cùng khủng khiếp.

Càng ở nhà dân, doanh nghiệp, nhà kho, xưởng sản xuất hay bất cứ đâu, công sở, cơ quan…, tất cả đều phải nâng cao ý thức phòng, cháy chữa cháy. Hiểu và nắm rõ những kỹ năng thoát hiểm, sinh tồn, đồng thời trang bị đầy đủ những thiết bị, dụng cụ chữa cháy như mặt nạ phòng, chống khói, bình cứu hỏa… mới có thể chiến thắng được giặc hỏa, không để xảy ra cháy, bảo vệ tài sản, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng.