“Chứa chấp” hàng lậu vẫn vô can

ANTĐ - Hàng lậu từ biên giới về nội địa sẽ đi đâu? Câu trả lời không khó, là sẽ “đi” về thẳng các kho hàng, bến bãi ở các tỉnh, thành phố lớn. Khi hàng lậu phát hiện, đương nhiên hàng hóa bị tịch thu; chủ hàng sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm. Nhưng chủ kho - pháp nhân cho thuê kho, bãi… lại vô can.

Đủ chủng loại hàng lậu “chui” trong các kho hàng nhưng chủ kho lại không bị xử lý trách nhiệm

Kho to - vi phạm nhiều

Nhà máy xe lửa Gia Lâm, nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội. Ngoài cái biển hiệu, chiều dài mặt tiền còn lại của nhà ga treo nhan nhản những thương hiệu của ngân hàng, siêu thị, quán ăn - những đối tác thuê đất kinh doanh. Nhưng các vị trí mặt tiền này chỉ là phần nhỏ so với thực trạng thay đổi chức năng bên trong nhà xưởng đã và đang diễn ra từ nhiều năm nay. Theo con số mà phòng chức năng quận Long Biên cung cấp thì trên diện tích đất hơn 60.000m2 tại địa chỉ 551 và 583 đường Nguyễn Văn Cừ, lãnh đạo Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã cho gần 60 tổ chức cá nhân thuê làm nhà xưởng, kho bãi. 

Nguồn thu mà Nhà máy xe lửa Gia Lâm có được từ việc cho thuê kho, bãi là rất lớn, và dĩ nhiên, lợi nhuận họ được hưởng. Song hệ lụy từ việc cho thuê kho mà không có sự kiểm soát, cho thuê kho rồi khoán hết trách nhiệm cho đối tác đi thuê, đối với xã hội, với người dân là vô cùng lớn. Hoạt động dịch vụ tại các kho hàng bên trong Nhà máy xe lửa Gia Lâm được CAQ Long Biên xác định là tụ điểm với nhiều phức tạp tiềm ẩn. Ngoài CAP sở tại, chỉ huy CAQ Long Biên cùng lúc phân công các đội CSĐT tội phạm về kinh tế, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường chịu trách nhiệm kiểm tra, phòng ngừa hoạt động thẩm lậu hàng lậu, hàng cấm đối với các đơn vị thuê kho, bãi. 

Cuối năm 2011, đầu 2012, liên tiếp 3 vụ tập kết thực phẩm “có vấn đề” được phát hiện tại 3 kho hàng thuê tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Trong đó, có kho hàng bị phát hiện khoảng 8 tấn thực phẩm sắp hết hoặc đã quá hạn sử dụng. Nhiều sản phẩm đã mốc trắng nhưng vẫn được sơ chế, thái lát và đóng gói. Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng phát hiện dấu hiệu quay vòng thực phẩm quá “date” ngay trong khuôn viên nhà kho này. Đơn vị thuê kho hàng đã bố trí dây chuyền in, dán nhãn mác và thời hạn sử dụng của sản phẩm. Lực lượng chức năng làm rõ nhiều thực phẩm nguy hại trên có “điểm đến” là một số siêu thị tại Hà Nội.

Sau Nhà máy xe lửa Gia Lâm phải kể đến Cảng Hà Nội, thuộc phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng. Lâu nay chức năng bến bãi phục vụ các con tàu xuất nhập hàng dường như đã không còn là thế mạnh. Thay vào đó, nhiều diện tích đất được sử dụng làm kho hàng như đồ điện tử, hàng đông lạnh. Đầu năm 2012, lực lượng chức năng kiểm tra, bắt quả tang cùng lúc 4 doanh nghiệp thuê kho tại đây đang tàng trữ gần 2 tấn sữa chua, xúc xích quá “date”, chân giò muối không ghi hạn sử dụng. Số thực phẩm bẩn này được xếp lẫn với hàng hóa hợp lệ, nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Bỏ sót trách nhiệm chủ kho

Đây là nghịch lý tồn tại lâu nay trong công tác xử lý đối với các vụ tập kết hàng lậu từng bị phát hiện. Đầu tháng 11-2012, lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra 1 kho đông lạnh tại chợ đầu mối Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Hơn 3 tạ phi-lê cá ba sa không có xuất xứ; và số lượng lớn bột - phẩm màu dùng để tẩm vào thực phẩm, có xuất xứ từ Trung Quốc… đã bị thu giữ. Chủ số thực phẩm vi phạm trên thuê kho đông lạnh tại chợ Đền Lừ từ 2 năm. Nhưng khi đề cập đến trách nhiệm, sự liên quan, đơn vị cho thuê kho hàng chỉ lý giải đơn giản: “Họ (đơn vị đi thuê kho) thường đóng cửa kín mít nên chúng tôi không nắm bắt được”. Đặt vấn đề với cơ quan trực tiếp thụ lý vụ việc trên về việc xem xét trách nhiệm đối với đơn vị cho thuê kho, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Rất khó, vì không làm rõ được sự “bật đèn xanh” của đơn vị có kho hàng cho thuê”.

Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, trách nhiệm của đơn vị cho thuê kho hàng (trong vụ việc có dấu hiệu hình sự), chỉ được tính đến, nếu cơ quan chức năng làm rõ được dấu hiệu đồng phạm của chủ kho với chủ hàng, thể hiện ở yếu tố chủ kho biết rõ hàng “có vấn đề” nhưng vẫn cho thuê tập kết; hoặc chủ kho liên kết với chủ hàng theo hình thức “tôi có kho- anh có hàng”. Tuy nhiên thực tế cho thấy, chưa có vụ tập kết hàng lậu nào mà trách nhiệm của đơn vị cho thuê kho bãi bị “sờ” đến. Bởi, họ thường dồn hết trách nhiệm cho đơn vị đi thuê, thông qua hợp đồng ký kết - ràng buộc mọi trách nhiệm về hàng hóa bên đi thuê phải chịu. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng lại chỉ dừng ở việc xem xét, xử lý trách nhiệm chủ hàng.

“Không loại trừ trường hợp, đơn vị cho thuê kho biết bên thuê tập kết hàng hóa “có vấn đề”, nhưng vẫn lờ đi và sử dụng đó làm sức ép với bên thuê kho nhằm trục lợi”, ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội nhận định. Vì thế, đã đến lúc cần có quy định xem xét, xử lý trách nhiệm của đơn vị cho thuê, qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm pháp luật sau mỗi vụ việc bị xử lý. Nếu chỉ dừng ở chủ hàng và hàng hóa như hiện nay, hàng lậu sẽ còn nhiều đất để “sống”.