Chữa bệnh “thiếu màu sắc” cho bảo tàng

ANTĐ - Việc mong muốn xây dựng hình ảnh bảo tàng thân thiện, hiện đại và đủ sức lôi kéo khách tham quan là kỳ vọng của bất kỳ ai hoạt động trong lĩnh vực bảo tàng. PGS.TS Phạm Văn Lực, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam có cuộc trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô.  

Chữa bệnh “thiếu màu sắc” cho bảo tàng ảnh 1
Cách bài trí không gian, ánh sáng là yếu tố quan trọng giúp bảo tàng trở nên hấp dẫn


- Hiện chúng ta có không ít các bảo tàng nhưng phần nhiều trong số đó hoạt động chưa hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu theo ông là gì? 

- PGS. TS Phạm Văn Lực: Chúng ta có rất nhiều loại bảo tàng: bảo tàng lịch sử, văn hóa; bảo tàng chuyên đề… từ cấp tỉnh đến Trung ương. Tuy nhiên, các bảo tàng hiện nay đang gặp tình trạng trưng bày những hiện vật tương đối giống nhau, cách sắp xếp, tổ chức cũng gần như nhau. Chính sự “thiếu màu sắc” hay sự trùng lặp về tư tưởng, mục tiêu là nguyên nhân dẫn đến việc các bảo tàng rơi vào tình trạng vắng khách.  

Bảo tàng được xây dựng phải đáp ứng những nhu cầu của con người về không gian, ánh sáng, âm thanh…  Ánh sáng không làm cho người ta tức mắt, âm thanh không làm người ta chói tai. Cùng là một hiện vật nhưng cách bài trí khác nhau dẫn đến những hiệu quả thị giác khác nhau. Đáng tiếc có những bảo tàng một năm, chỉ đưa ra thêm một vài bộ sưu tập, không có những động thái “làm mới” để thu hút công chúng. Theo tôi vấn đề là ở hiệu quả đầu tư và tầm nhìn của những người lãnh đạo bảo tàng.

- Như vậy là cách tiếp cận bảo tàng của chúng ta đang có vấn đề?

- Lấy ví dụ đơn giản như khi bạn vào bảo tàng thường thấy những biển “cấm sờ vào hiện vật”. Sự “cấm” này vô tình tạo ra một sự thiếu thân thiện cho bảo tàng. Ở phòng trưng bày tiến hóa sinh giới của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, chúng tôi có những khu riêng biệt để nâng cao tính tương tác cho người xem. Chẳng hạn như, chúng tôi để những không gian cho các em nhỏ có thể chạm vào con sao biển, con cầu gai… thấy chúng xù xì, sắc nhọn như thế nào. Một đứa trẻ khi ấn vào một cái nút, có thể cảm nhận được rung chấn ở dưới chân mình là bao nhiêu độ richte, bước vào một không gian mà cảm nhận được tuyết rơi, hay lạc vào một sa mạc… Như thế người xem sẽ cảm thấy gắn kết với bảo tàng, chứ không chỉ nhìn hiện vật qua tấm kính. 

- Bảo tàng đáng lẽ là một điểm vui chơi, giải trí, nghiên cứu mà người dân thực sự cần và thường xuyên lui tới thì ở Việt Nam, hình như nó chưa đáp ứng được yêu cầu này?   

 - Ở các nước, một tháng một lần vào những dịp cuối tuần, các ông bố bà mẹ thường đưa con mình đến bảo tàng tham quan. Họ có thể ở đó từ sáng đến chiều, buổi trưa ăn uống và nghỉ ngơi tại bảo tàng, trong khi người Việt Nam thì không có thói quen như vậy. Theo tôi, văn hóa của chúng ta, chưa đạt đến mức yêu cầu phát triển của bảo tàng. Và ngược lại, không thể không nói đến chuyện, bản thân bảo tàng cũng chưa đủ hấp dẫn để những người có nhu cầu đến tham quan, học tập và nghiên cứu. 

- Vậy mô hình bảo tàng tương lai mà chúng ta hướng đến là như thế nào?

- Ở các bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London, Paris, New York... hoạt động của họ rất phong phú đa dạng. Họ mở cửa miễn phí không gian trưng bày cố định, nhưng đối với những triển lãm chuyên đề, họ liên tục đưa những nội dung rất đa dạng và hấp dẫn, khiến khách tham quan bỏ tiền nếu muốn vào đó. Cùng với đó tích hợp các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, khu vui chơi cho trẻ em… để phục vụ cùng lúc nhu cầu của nhiều đối tượng. Đó cũng là mô hình tôi nghĩ không chỉ Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam mà nhiều bảo tàng khác cũng đang hướng đến. Khi làm bảo tàng, chúng tôi luôn đòi hỏi sự đổi mới, đến bảo tàng xem gì, để lại ấn tượng gì khi ra về. 5 năm nữa, 10 năm nữa diện mạo bảo tàng như thế nào, có còn thu hút khách không. Đầu tư cho bảo tàng là đầu tư cho công chúng nhưng trách nhiệm không chỉ là của những nhà đầu tư, mà còn thuộc về những người đang “nuôi dưỡng” đời sống tinh thần của người dân.